Bộ NN&PTNT: Cho thuê đất rừng đã được thẩm định quốc phòng
- “Các tỉnh đã thực hiện đúng pháp luật, dự án đều đã được thẩm định về quốc phòng, an ninh”, Bộ NN&PTNT vừa gửi báo cáo tới Quốc hội về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng.
Một số dự án sát biên giới
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các tỉnh đã thực hiện đúng quy định Nhà nước về thu hút đầu tư phát triển rừng. Các dự án đầu tư trồng rừng 100% vốn nước ngoài chủ yếu thực hiện sau năm 2006, khi Luật Đầu tư có hiệu lực.
Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận đã được phân cấp cho tỉnh, xác định đầu tư cho lâm nghiệp ở miền núi là một trong những lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích.
Như vậy, các tỉnh đã "thực hiện chặt chẽ" trình tự, thủ tục cho thuê.
“Hầu hết diện tích đất cho thuê và liên doanh, liên kết để trồng rừng đều là đất được quy hoạch để phát triển rừng sản xuất, chưa phát hiện có việc cho thuê rừng hay đất rừng phòng hộ. Các dự án đều đã được thẩm định về quốc phòng, an ninh”, Bộ NN&PTNT đánh giá.
Hơn nữa, đa số dự án đều ở vùng khó khăn. Một số nằm ở khu vực sát biên giới.
Ngoài diện tích đất ruộng, người dân ở thôn Song Sài, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) chỉ biết trông chờ vào đất trồng rừng để mưu sinh. Ảnh: Duy Tuấn
Tuy nhiên, do chưa nắm chắc khả năng về đất đai, chủ yếu dựa theo báo cáo của huyện và xã nên nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư với quy mô, diện tích vượt quá khả năng thực tế. Trong đó, dự kiến cho thuê cả những diện tích đã có chủ, rừng tự nhiên. "Chúng tôi chưa nắm được dự án thuê nhiều ha rừng của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, cũng chưa thấy ai báo cáo… Họ chưa qua một cấp nào của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thẩm định cấp dự án, nhất là về rừng dọc biên giới. Không được báo cáo thì làm sao chúng tôi tham mưu được. Dự án trồng rừng 50 năm có người nước ngoài là ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng rồi". Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn Hoàng Công Hàm khẳng định với VietNamNet
Bộ NN&PTNT khẳng định, trừ một số dự án của InnovGreen và Công ty TNHH Tài nguyên - khoáng sản Hối Thăng (Hồng Kông) tuy được cấp phép từ 2008 nhưng vẫn chưa triển khai, hầu như các dự án đang được thực hiện.
“Hoạt động của các DN đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập để cải thiện đời sống người dân. Có DN đã đầu tư làm đường nông thôn. Việc sử dụng người nước ngoài không nhiều”, Bộ NN&PTNT đánh giá.
Thống kê cho thấy, trong số 74 cán bộ kỹ thuật làm việc cho Công ty InnovGreen ở Lạng Sơn chỉ có 4 người Trung Quốc, Quảng Ninh 9 người.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, một số DN được cấp giấy nhưng chưa khai thác sẽ bị xem xét thu hồi giấy phép.
Công ty InnovGreen tuy chưa được Lạng Sơn cho thuê đất nhưng lại xin thuê đất và trồng rừng của thôn bản ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định.
Trong diện tích đó có 160 ha ở Lộc Bình, vốn là đất của dân tham gia dự án trồng rừng làm nguyên liệu giấy đến nay vẫn chưa được thanh lý xong. Chính việc cho phép một DN mới vào khai thác mà chưa có thỏa thuận với dân đã làm nhân dân lo lắng.
11 DNNN vào 10 tỉnh
Như VietNamNet đã đưa tin, những quan ngại về việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất dài hạn vùng rừng đầu nguồn đã được đặt ra từ cuối năm ngoái.
Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra ở Quảng Ninh, Lạng Sơn và yêu cầu các địa phương khác báo cáo. Thông tin tổng hợp đã được trình lên Thủ tướng.
Đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ kiểm tra và tìm hướng giải quyết. Trong thời gian kiểm tra, yêu cầu các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như ký hợp đồng cho thuê mới.
Tuy nhiên, trong công văn ngày 9/3, Thủ tướng không yêu cầu thời hạn "chốt" báo cáo.
Ngay trước kỳ họp QH lần này, nhiều ĐBQH đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho thuê đất rừng. Báo cáo vừa được chuyển tới ĐB hôm nay, tuy nhiên, thống kê không khác là bao so với những con số mà Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng hồi đầu năm.
Đến tháng 12/2009, đã có 11 DN nước ngoài vào Việt Nam để khảo sát và đầu tư trồng rừng trên địa bàn 10 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Khánh Hòa và Bình Dương.
Lạng Sơn là tỉnh có nhiều DN Trung Quốc vào khai thác nhất (3 DN).
Thống kê cho thấy, UBND 10 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 305.353,4 ha. Trong đó, riêng Công ty InnovGreen chiếm tới 87% diện tích (264.848 ha).
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh mới ra quyết định khai thác cho gần 23.000 ha (11% diện tích được cấp giấy chứng nhận).
Trong đó, chỉ 15.664,45 ha được phép cho nước ngoài thuê 50 năm. Lạng Sơn cho thuê gần 500 ha, Quảng Ninh hơn 3.000 ha…
Hiện có thêm 3 DN của Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan đang khảo sát để lập dự án.
Theo Bộ NN&PTNT, các DN nước ngoài đầu tư trồng rừng ở Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau, như cho thuê đất trồng rừng; chỉ liên doanh liên kết trồng rừng hoặc kết hợp cả hai.
Sáng mai (11/6), Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước QH. Nhiều ĐBQH đã gửi câu hỏi bằng văn bản tới ông, đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc cho nước ngoài thuê đất rừng.
-
Lê Nhung