Bài 1:

Tận mắt chứng kiến việc giao đất rừng cho người nước ngoài

Cập nhật lúc 08:00, 01/03/2010 (GMT+7)

- Với lời hứa sẽ đền bù đất, cây, mở đường, đưa điện và tạo công ăn việc làm cho bà con thôn xóm, nhiều người dân ở xã Đông Quan (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) đã đồng ý giao đất giao rừng cho Công ty Innov Green (Hồng Kong – Trung Quốc, chi nhánh Lạng Sơn).

Thế nhưng, chưa được hưởng lợi gì từ dự án thì họ đã thấy mình bị “hớ”. Tiền làm thuê trồng rừng bị nợ, những lợi ích khác thì không thấy… Một số ít người dân còn lại thì nhất quyết không đồng ý giao đất rừng cho doanh nghiệp nước ngoài này vì họ không biết con cháu họ sẽ sống bằng gì trên vùng đất khó khăn này?.

Tin lời hứa, dân mất đất trồng rừng?

Xã Đông Quan, huyện Lộc Bình là một xã miền núi nghèo, ngoài nghề trông lúa trên diện tích ruộng khô cằn thì đời sống của các hộ dân trong xã chủ yếu chỉ biết trông chờ vào diện đất đồi núi để trồng rừng, chăn thả trâu bò.

Mô tả ảnh.
Ngoài diện tích đất ruộng, các hộ dân ở thôn Song Sài xã Đông Quan chỉ biết trông chờ vào diện tích đất trồng rừng để mưu sinh. (Ảnh: Duy Tuấn).

Đời sống của bà con xã Đông Quan cứ bình lặng trôi đi như cái nghèo “khó mà thay đổi được” thì bất ngờ năm 2007 Công ty Innov Green (Hồng Kông – Trung Quốc) vào thuê đất rừng với thời hạn 50 năm để trồng bạch đàn lấy gỗ công nghiệp.

Khi vào xã Đông Quan, công ty có nguồn gốc nước ngoài này đã đem theo những lời hứa hẹn mở đường, đưa điện vào thôn và tạo công ăn việc làm cho bà con nên nhiều hộ dân đã tin tưởng giao đất rừng cho công ty và tiến hành trồng bạch đàn.

“Nhiều hộ thận trọng lo cho công ăn việc làm của con cháu mai sau nên nhất quyết không giao đất rừng cho công ty”, ông Vi Văn Mài, trưởng thôn Song Sài, xã Đông Quan cho biết.

Theo chỉ dẫn của ông Mài, chúng tôi được anh Lành Văn Nga, một người dân trong thôn chỉ đường đến nhà chị Lý Thị Thiết ở thôn Song Sài. Xung quanh hai bên đường rộng chừng 40 - 50 cm ngoằn ngoèo uốn lượn là những cây thông đã được người dân trồng từ năm 2004 nhờ dự án trồng thông làm giấy của tỉnh Lạng Sơn.

Anh Nga bảo: “Đường sá khó khăn thế này nên khi nghe công ty vào mở đường, đem điện đến nên không ít bà con cả tin đã giao đất rừng cho công ty của người nước ngoài bất chấp những cây thông xanh tốt nhiều khả năng sẽ bị chặt phá”.

Mô tả ảnh.
Anh Nga không muốn dự án trồng bạch đàn của công ty người nước ngoài sẽ tàn phá đi những cây thông anh đã trồng được 4 - 5 năm nay. (Ảnh: Duy Tuấn).

Trong căn nhà tuềnh toàng được làm bằng gạch đất của chị Lý Thị Thiết, khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện giao đất rừng cho công ty Innov Green, chị Thiết với khuôn mặt buồn rượi cho biết: “Đã nhiều tháng nay tôi mất ăn mất ngủ vì đã trót giao 3,8ha diện tích đất rừng cho Công ty Innov Green trồng bạch đàn. Nhưng khi giao đất cho họ rồi đến nay tôi mới biết mình đã bị lừa…”.

Chị Thiết kể: Đầu năm 2008 người của công ty này và cả người của UBND xã Đông Quan có vào nói với gia đình chị, nếu giao đất rừng cho công ty gia đình chị sẽ được nhận bồi thường tiền đất, tiền trồng thông, ngoài ra gia đình chị còn được nhận vào làm công nhân với mức lương cao.

Tin lời công ty, chị Thiết đã giao 3,8 ha rừng trồng thông cho Công ty Innov Green và chấp nhận bất chấp mưa nắng mất hàng tháng trời đi đào hố, gánh phân lên đồi Pa Cà Nông để trồng bạch đàn cho công ty với mức lương 100 nghìn đồng/ ngày. Nhưng kể từ khi giao đất rừng, trồng bạch đàn cho công ty Inno Green xong đến nay đã hơn 5 tháng chị Thiết vẫn chưa được công ty trả tiền công chứ chưa nói gì đến tiền bồi thường từ đất rừng.

Mô tả ảnh.
Giao thông vào bản Song Sài quá khó khăn nên khi nghe công ty Innov Green mở đường vào bản nhiều hộ dân ở Song Sài đã cả tin giao đất cho công ty. (Ảnh: Duy Tuấn).

“Công ty có hẹn tôi đến ngày 28/1 sẽ trả tiền công, nhưng cứ hết lần này đến lần khác tôi vẫn chưa được công ty trả tiền công đào hố trồng cây, chỉ có thỉnh thoảng nhận được vài trăm tiền tạm ứng. Trong khi đó tiền bồi thường đất và cây thông đến nay tôi vẫn không nhận được vì nay nghe cán bộ nói đất đó của gia đình sử dụng nhưng chưa cấp sổ”, chị Thiết bức xúc.

Chị Thiết dẫn chúng tôi leo trèo hơn 30 phút trên nhiều quả đồi để đến địa điểm đất đồi đã được công ty nước ngoài này trồng bạch đàn. Số cây bạch đàn không thể đếm xuể, tuy đã trồng được 6 tháng nhưng cũng mới chỉ cao được 50cm. Chị Khiết cho biết, toàn bộ vùng bạch đàn này là công sức của chị và người dân Song Sài.

Cũng như gia đình chị Thiết, gia đình chị Bế Thị Cầu cùng thôn Song Sài đã giao 3 ha diện tích đất rừng cho Công ty Innov Green và đi trồng thuê bạch đàn cho công ty nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền công.

Mô tả ảnh.
Giao đất, rừng cho công ty Innov Green chị Thiết trở thành người trắng tay. (Ảnh: Vũ Điệp).

Chị Cầu bức xúc: “Giao đất cho công ty rồi chúng tôi phải đi làm thuê cho họ. Nhưng khi chúng tôi trồng cây xong thì tiền công họ cũng không trả đủ. Chúng tôi có hỏi tiền bồi thường từ đất và cây thì bất ngờ lại được xã cho biết đất không có sổ thì không được bồi thường. Cứ đà này không biết gia đình tôi phải làm gì để kiếm sống”.

Được biết, hàng chục hộ dân khác ở thôn Song Sài giao đất, rừng rồi làm thuê cho công ty này cũng đang bị nợ. Và đến nay khi nghe thông tin không được đền bù đất nữa thì họ không muốn giao đất cho công ty của người nước ngoài.

“Giao rừng cho họ con cháu tôi làm gì để sống?”

Không “cả tin” như các hộ dân giao đất rừng cho công ty Innov Green, nhiều gia đình trong thôn Song Sài và cả thôn Nà Lâu, xã Đông Quan kiên quyết không giao đất rừng cho phía công ty Inno Green. Lý do mà các hộ dân không giao đất đưa ra: Tấc đất tấc vàng, mất đất mất việc làm.

Anh Lành Văn Nga (27 tuổi), ở thôn Song Sài cho biết, cuối năm 2007 đầu năm 2008 công ty Innov Green và người của UBND xã có đến yêu cầu gia đình anh giao 3,1 ha diện tích đất rừng cho công ty, nhưng anh nhất quyết không đồng ý.

’Anh

Anh Ý bức xúc: "Trước đây với diện tích đất rừng chăn thả rộng chúng tôi nuôi trâu nuôi bò thả rất thoải mái, nhưng kể từ khi công ty Inno Green tiến hành trồng 60 ha bạch đàn từ diện tích đất rừng thì việc chăn thả trâu bò của các hộ dân chúng tôi cũng hết sức khó khăn”. (Ảnh: Vũ Điệp)

Anh Nga bảo: “Khi công ty vào lấy đất rừng tôi kiên quyết không đồng ý vì thời hạn thuê đất 50 năm thì đời tôi coi như đã hết, nhưng đến đời con cháu tôi lấy đâu ra đất rừng để làm. Không có đất rừng thì chúng tôi chết đói vì ngoài mấy sào ruộng làm không đủ ăn, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào diện tích đất rừng để trồng rừng và chăn thả”.

Người nông dân tên Nga này còn cho biết thêm, việc anh không đồng ý giao đất cho dự án không chỉ muốn giữ cho con cháu anh mà việc giữ đất còn là để giữ nước nữa.

Cũng như anh Nga, gia đình anh Vy Văn Ý ở thôn Song Sài được giao 3 ha diện tích đất rừng trồng thông theo dự án trồng thông làm giấy của tỉnh Sơn La từ năm 2004. Đến nay dù diện tích thông còn sống không nhiều nhưng đất rừng là nơi để anh chăn thả trâu bò và những hàng thông đang lớn dần sẽ là vốn liếng để anh để lại cho con cháu anh sau này.

Anh Ý bức xúc: Trước đây với diện tích đất rừng chăn thả rộng chúng tôi nuôi trâu nuôi bò thả rất thoải mái, nhưng kể từ khi công ty Inno Green tiến hành trồng 60 ha bạch đàn từ diện tích đất rừng thì việc chăn thả trâu bò của các hộ dân chúng tôi cũng hết sức khó khăn”.

Cùng quan điểm và kiên quyết như gia đình anh Nga, anh Vy, hàng chục hộ dân ở thôn Nà Lâu cũng kiên quyết không giao đất cho Công ty Innov Green.

Bà Bế Thị Chấm, thành viên hội phụ nữ thôn Nà Lâu cho biết: “Năm ngoái khi chúng tôi bắt đầu trồng thuốc lá trên diện tích đất rừng thì UBND xã và người của công ty Innov Green vào bảo dân chúng tôi nhường đất và đi làm công nhân cho công ty. Nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì mất đất là chúng tôi không còn gì cả”.

  • Vũ Điệp – Duy Tuấn

Ý kiến của bạn

Các tin khác