Bài 5:

Kiên quyết không giao đất rừng cho người nước ngoài

Cập nhật lúc 08:43, 19/03/2010 (GMT+7)

LTS: Ngày 10/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo "Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát", xung quanh việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất rừng.

Trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát và báo cáo. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha.

Thực tế đến nay, các tỉnh mới chỉ quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư);. Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, diện tích rừng được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài có cả rừng phóng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình dài qua các địa phương Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam… để tận mắt xem các dự án đã được cho thuê đất như thế nào? Nghe tiếng nói của các địa phương đã cho thuê đất và hỏi những người dân sở tại xem họ đã được hưởng những lợi gì từ các dự án này?

Điều dễ nhận thấy rằng, nếu Thủ tướng không kịp thời yêu cầu các bộ ngành kiểm tra và báo cáo đầy đủ rồi ra chỉ đạo dứt điểm, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, không ký hợp đồng cho thuê đất mới, chờ Chính phủ rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, thì hệ quả chưa biết sẽ dẫn tới đâu?

VietNamNet đăng tải loạt bài về việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài để Chính phủ có thêm một kênh thông tin từ thực tiễn tại các địa phương.

- “Người đẻ được chứ đất không đẻ được. Nếu cho công ty nước ngoài vào thuê đất trồng bạch đàn với thời hạn 50 năm thì không chỉ tôi mà sau này con cháu tôi cũng không biết làm gì để sống. 50 năm có quá nhiều thứ thay đổi, nhưng chắc chắn một điều nếu không có đất rừng thì dân chúng tôi chết đói”, anh Lã Văn Vi, Phó bí thư chi đoàn xã Hà Lâu (Tiên Yên - Quảng Ninh) cho biết trước việc đất rừng đang được chính quyền cho công ty Innov Green vào thuê trồng bạch đàn với thời hạn 50 năm.

  • Thủ tướng: Không cấp phép mới cho dự án thuê rừng
  • Tướng Đồng Sỹ Nguyên cảnh báo việc cho nước ngoài thuê rừng
  • Bài 1: Tận mắt chứng kiến việc giao đất rừng cho người nước ngoài
  • Bài 2: Chưa có giấy phép, công ty nước ngoài hối hả trồng rừng
  • Bài 3: ’Giật mình’ khi nghe thông tin cho nước ngoài thuê đất

    “Mất rừng thì chúng tôi chết đói”

    Từ trung tâm xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy qua những đồi núi đá lởm chởm, gồ ghề uốn lượn chúng tôi mới tìm đến được thôn Bản Danh, nơi đang được xem là điểm “nóng” của huyện Tiên Yên và tỉnh Quảng Ninh về việc người dân kiên quyết phản đối không cho các công ty nước ngoài vào thuê đất rừng.

    Mô tả ảnh.

    Hầu hết các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của bà con thôn Bản Danh đều gắn liền với diện tích đất rừng.

    Tại thôn Bản Danh khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về việc công ty nước ngoài vào thuê đất rừng của thôn, trưởng thôn Tàng Coong Vểnh không để chúng tôi nói thêm, ông liền nói như cướp lời: “Chúng tôi kiên quyết không đồng ý. Cả thôn tôi có 17 hộ thì hiện có 5 hộ đang không có đất rừng nên chúng tôi không thể giao đất rừng cho người nước ngoài được”.

    .

    Theo lời trưởng bản Vểnh, chúng tôi tìm đến những hộ dân không có đất rừng. Ngồi bó gối đan rổ trước căn nhà rách nát, Tàng A Tài cho biết: Gia đình Tài không có đất rừng nên cuộc sống rất khó khăn. Để nuôi hai đứa con nhỏ và duy trì cái ăn, cái mặc cho cả gia đình, vợ chồng Tài phải sống nhờ vào sự ban ơn của đất rừng tự nhiên.

    Nhờ có rừng mọc tự nhiên nên những ngày rảnh rỗi vợ chồng tôi vẫn có thể lên rừng đi chặt nứa về đan lát, chặt đót về phơi rồi đem đi bán nên cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng nay người nước ngoài đến và nếu họ thuê hết đất trồng bạch đàn thì gia đình tôi biết làm gì để sống”, Tài thành thật.

    Mô tả ảnh.

    Tàng A Tài cho biết: Dù không có đất rừng, nhưng nhờ có rừng mọc tự nhiên nên vợ chồng Tài vẫn lên rừng chặt tre nứa về làm rổ xúc được.

    Cũng như gia đình Tài tất cả 16 hộ dân còn lại trong thôn Bản Danh cũng đang phải sống nhờ vào tài nguyên đất rừng. Xách bó đót trên vai vừa đi chặt từ trên rừng về, cụ Pun Tài Múi (65 tuổi) bảo: “Nhờ có rừng mà tôi có thể đi hái đót về phơi khô đem bán. Nhưng giao rừng cho người nước ngoài thuê, họ đến họ phát hết tre nứa… trồng bạch đàn thì chúng tôi lấy gì để sống? Từ trước tới nay chúng tôi sống nhờ rừng nên chúng tôi không thể giao cho họ được”.

    Không chỉ lo mất đi nguyên liệu rừng mọc tự nhiên làm nguyên liệu để kiếm sống, việc 200 ha đồi trọc thôn Bản Danh từ bao đời nay được bà con các thôn Bản Danh, Bản Buông, Bản Nà Hát, chăn thả nuôi trâu bò nay cũng đang được phía công ty Innov Green vào thuê trồng bạch đàn khiến người dân hết sức bức xúc.

    Ông Tằng Phúc Hếnh, một trong những chủ hộ có nhiều trâu bò nhất bản Danh bức xúc: “Bản tôi có hơn 100 con trâu bò từ trước đến nay được chăn thả trên đồi Bản Danh nhưng nay nếu như công ty nước ngoài vào thuê hết thì chúng tôi không còn nơi chăn thả. Bằng mọi giá chúng tôi không thể cho người nước ngoài vào thuê đất đồi trồng bạch đàn được”.

    Mô tả ảnh.

    Nhiều hộ dân thôn Bản Danh lo lắng nếu để cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đồi đất rừng thông Bản Danh thì hàng trăm con trâu bò của họ không biết phải chăn thả ở đâu.

    Bức xúc của người dân trong xã cũng được Ông Hoàng Vĩnh Hải, chủ tịch UBND xã Hà Lâu thừa nhận. Theo ông Hải, các thôn Bản Danh, Nà Hắc có truyền thống chăn nuôi trâu bò quảng canh, nên khi công ty Innov Green vào thuê và trồng 70 ha bạch đàn trên quả đồi này thì dân rất bức xúc và không đồng ý vì dân sợ sau này không có nơi chăn thả trâu bò.

    Trước tình trạng này UBND xã đã báo cáo với huyện và công ty đã cho dừng việc trồng bạch đàn lại.

    Làm thuê cho công ty nước ngoài không đủ sống!

    Cũng kiên quyết như các hộ dân thôn Bản Danh, bí thư chi đoàn xã Hà Lâu, Lã Văn Vi cùng 13 hộ dân thôn Bản Buông kiên quyết không giao đất rừng của mình cho công ty người nước ngoài.

    Đứng trên con dốc đường vào thôn Bản Danh chỉ tay về phía đồi cây lá chàm xanh tốt nơi anh có 30 ha đất rừng, anh Vi bảo: Chẳng tội gì phải cho người nước ngoài thuê đất của mình rồi lại đi làm thuê cho họ, nhất là khi những cây keo lá chàm đang xanh tốt hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.

    Người đẻ được chứ đất không đẻ được. Nếu cho họ thuê với thời hạn 50 năm thì không chỉ tôi mà sau này con cháu tôi cũng không biết làm gì để sống. 50 năm có quá nhiều thứ thay đổi, nhưng chắc chắn một điều nếu không có đất rừng thì dân chúng tôi chết đói”, anh Vi thành thật.

    Mô tả ảnh.

    Chỉ tay về phía đồi cây của mình anh Lã Văn Vi bảo “kiên quyết không giao đất này cho người nước ngoài.

    Khi vào xã Hà Lâu thuê lại đất rừng trồng nguyên liệu, công ty Innov Geen có đem theo lời hứa mở đường, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Nhưng hiện tại con đường vào thôn Bản Danh dài gần chục km vẫn hết sức khó khăn và đang được tỉnh Quảng Ninh cấp kinh phí làm dở.

    Đích thân phó chủ tịch xã Hà Lâu, Giáp Hồng Hạnh dẫn chúng tôi vào thôn Bản Danh, đi trên con đường nhấp nhô gồ ghề đầy ổ trâu, ổ gà ông Hạnh thừa nhận: “Hiện tại công ty Innov Green chưa tiến hành làm đường và cũng chưa xây dựng được gì cho bà con trong xã. Con đường đang làm dở này không phải của công ty nước ngoài đầu tư mà được làm từ ngân sách của tỉnh”.

    Sau khi được cấp phép đầu tư năm 2006 đến nay công ty Innov Green đã trồng được 96 ha bạch đàn ở thôn Bản Buông. Khi vào tiến hành trồng bạch đàn làm nguyên liệu, phía công ty có thuê người dân trong bản làm thuê cho công ty, nhưng vì công việc quá nặng nhọc và đồng lương không tương xứng nên nhiều người dân đã bỏ việc không làm nữa.

    Anh Vi bảo, khi công ty Innov Green vào, có thuê anh đứng ra thuê dân làm thuê cho công ty, nhưng công việc vất vả thuê với mức giá 70 nghìn đồng một ngày công thì không tương xứng với công sức bỏ ra nên dân không làm nữa.

    70 nghìn đồng một ngày công nhưng người dân phải phát quang, ghánh phân, cuốc hố, vận chuyển cây con lên đồi núi dốc từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ nên dân họ không làm nổi”, anh Vi cho biết.

    Chính chủ tịch xã Hà Lâu, Hoàng Vĩnh Hải cho biết, lúc đầu công ty vào có nói sẽ sử dụng lao động địa phương nhưng sau đấy công việc quá nặng nhọc đồng lương lại thấp nên bà con không làm được.

    Mô tả ảnh.
    Đất rừng của bà con ở xã Hà Lâu (Tiên Yên) rất tốt cho việc trồng cây keo lá chàm.

    Đem vấn đề này trao đổi với ông Vũ Hồng Thắng (Phó chủ tịch huyện Tiên Yên), chúng tôi được ông Thắng cho biết: Công ty Innov Green vào có tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn nhưng rất ít. Chủ yếu là làm thời vụ và chưa thể làm theo kiểu biên chế. Thậm chí vào thuê dân nhưng dân thấy đồng lương không tương xứng nên công ty phải thuê cả người ở Bắc Giang lên làm.

    Để công ty nước ngoài vào trồng rừng theo chỉ đạo của tỉnh

    Trả lời về việc tại sao trong khi có nhiều hộ dân đang thiếu đất rừng nhưng chính quyền vẫn giao đất cho người nước ngoài, ông chủ tịch xã Hà Lâu, Hoàng Vĩnh Hải cho biết: Xã có giao đất nhưng dân không nhận.

    Lúc đầu người dân không có nhu cầu nhận đất nhận rừng nên công ty Innov Green vào nhận trước chứ không phải xã không giao”, Ông Hải giải thích.

    Về vấn đề này ông Vũ Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Yên lại giải thích: Sau khi giao đất cho công ty Innov Green thì dân các thôn trong xã Hà Lâu mới tách hộ. Sau khi huyện biết có một số hộ trong xã chưa có đất rừng thì huyện đã có yêu cầu thôn và xã làm đơn gửi về huyện để huyện xem xét cấp đất cho nhưng dân không làm.

    Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hiện tại cây keo lá chàm được trồng ở Hà Lâu khá nhiều và độ che phủ cao, nhưng không hiểu tại sao tỉnh Quảng Ninh không để cho người dân tự phát triển mà lại để cho công ty Innov Green vào thuê trồng bạch đàn?

    Về vấn đề này ông Vũ Hồng Thắng cho rằng: Đây là chủ trương của tỉnh. Ông chỉ biết tỉnh có mời tất cả các huyện về nghe dự án và tỉnh nhất trí cho công ty Innov Green vào đầu tư và muốn đây là mô hình nhân rộng ra cho người dân.

    Tỉnh đã chỉ đạo sát sao nên huyện cũng vào cuộc. Nhưng trước mắt chúng tôi tạm dừng lại vì để xem công ty trồng có hiệu quả không đã. Phải thận trọng không thì đời sau con cháu lớn lên trưởng thành thì lấy đâu ra đất nữa”, ông Thắng thận trọng cho biết.

    • Nhóm PV Điều tra

  • Ý kiến của bạn

    Các tin khác