- Tuy không phải là phiên chất vấn, nhưng trước băn khoăn của nhiều ĐBQH khi thảo luận về kinh tế - xã hội, chiều qua (27/5), các vị bộ trưởng lần lượt đứng lên giải trình về việc "nợ" đề án tái cơ cấu, chỉ tiêu môi trường, nước sạch, lao động việc làm không đạt...
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
"QH không hỏi nên Chính phủ không trình"
Đáp lại lời "nhắc khéo" của ĐB Trần Du Lịch về việc đề án tái cấu trúc nền kinh tế hậu khủng hoảng đang "mất hút", Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay, do kỳ họp này đại biểu không đặt vấn đề trước nên Bộ cũng không trình ra bản báo cáo cáo chính thức đã được Chính phủ thông qua.
Quốc hội đã nhiều lần đề cập vấn đề tái cấu trúc nền. Kỳ họp QH trước, Chính phủ cũng đưa ra một bản dự thảo mà theo ông Phúc, "mới nghiên cứu ban đầu".
"Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề lớn có tính chiến lược và lâu dài.đòi hỏi chúng ta phải tái cấu trúc từ doanh nghiệp, từ cơ cấu kinh tế, từ cơ cấu ngành, cơ cấu lãnh thổ, cơ cấu lao động, đào tạo nhân lực, vấn đề doanh nghiệp, vấn đề cơ sở hạ tầng, kể cả vấn đề về thể chế kinh tế ", ông Phúc phân tích.
Vì "nhiêu khê" như vậy nên vừa qua Thủ tướng đã kết luận "tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình, các vấn đề trong bản báo cáo sẽ được thể hiện lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và trong kế hoạch 5 năm sẽ được trình ra QH kỳ tới".
Ba đột phá được nhắc tới là phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và thứ ba là thể chế.
Vị "tư lệnh" ngành nói thêm, "nếu Quốc hội đặt vấn đề, chúng tôi sẵn sàng gửi báo cáo đã được Chính phủ thông qua tới các vị".
"Bốn chỉ tiêu chia bốn bộ"
Ngay sau giờ giải lao, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cũng dành ít phút làm rõ thêm băn khoăn của ĐBQH về việc 4 chỉ tiêu môi trường đang "giật lùi". Vị trưởng ngành tài nguyên cũng "xin nợ" giải đáp thắc mắc về những vấn đề nóng khác.
Theo ông Nguyên, 2009 là năm đầu tiên đưa 8 chỉ tiêu về môi trường vào kế hoạch kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo phát triển bền vững và chia việc rõ ràng. Đây cũng là năm Chính phủ trích 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường.
Chỉ tiêu về cấp nước cho nông thôn, trồng rừng giao cho Bộ trưởng NN&PTNT. Thu gom rác thải, xử lý các khu công nghiệp giao cho Bộ trưởng Xây dựng. Các chỉ tiêu về thu gom rác thải y tế thì giao Bộ trưởng Y tế.
Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ đảm nhận thu gom xử lý chất thải nguy hại và "phối hợp" với các bộ.
Theo ông Nguyên, chỉ tiêu cấp nước sạch cho đô thị là vượt chứ không phải chưa đạt vì "2009 có nhiều đô thị được nâng cấp".
Riêng về việc tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý môi trường đang gia tăng, ông Nguyên nói, từ 2005 đến nay, ta có khoảng 160 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Một nửa trong số đó xây có hệ thống xử lý chưa hoàn chỉnh.
Do đó, dự kiến 65% số khu CN, chế xuất có hệ thống xử lý là "một tham vọng không thực tế", ông Nguyên thừa nhận.
Các khu công nghiệp tiến hành xử lý vấn đề nước thải, rác thải và khí thải thì vướng công nghệ.
Chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng và một chỉ tiêu nữa về thu gom rác thải nông thôn cũng không đạt do liên quan đến cả cơ chế và chính sách. Cũng theo ông Nguyên, một lý do quan trọng khác là "quá trình chỉ đạo chưa thật quyết liệt”.
"Tính lại ICOR"
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng giải thích, việc không đạt chỉ tiêu về tạo việc làm mới là do chưa điều chỉnh giảm theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Ban đầu, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2009 là 6,5%, tương ứng với mục tiêu tạo ra 1,7 triệu việc làm. Nhưng sau khi tăng trưởng GDP được hạ xuống còn 5% thì chỉ tiêu về việc làm mới không giảm theo.
Vì vậy, theo bà Ngân, lượng việc làm mới tạo ra là 1,51 triệu cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 là 5,32% cũng như những khó khăn của doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Liên quan đến chỉ số ICOR vốn đang được xem là "quá cao, chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp", nữ Bộ trưởng Kim Ngân cũng giải thích, Nhà nước đầu tư cho những chương trình giảm nghèo rất lớn, song những chương trình này chưa thể làm tăng trưởng GDP được.
"Do đó, nếu không tách đầu tư của Nhà nước cho những chương trình giảm nghèo để tính toán hệ số ICOR thì khi so sánh với các nước bao giờ chúng ta cũng cao hơn", Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đã nhận xét: ICOR cao là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng thắc mắc: "Tại sao Chính phủ đã biết chỉ số ICOR tăng lên qua từng năm, nhận thấy hiệu quả đầu tư giảm nhưng chưa tìm ra biện pháp để giải quyết?".
Sáng nay, QH sẽ thảo luận ở Hội trường về ngân sách nhà nước.
-
Lê Nhung
Ảnh: Lê Anh Dũng