221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1279089
Quốc hội muốn biết giá đất Hà Nội
1
Article
null
Quốc hội muốn biết giá đất Hà Nội
,

- Họp bàn chiều nay (12/5) chuẩn bị chương trình kỳ họp QH sắp tới, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ chuẩn bị sẵn tài liệu về việc cho thuê đất rừng, nhà máy lọc dầu Dung Quất và tình trạng mua bán bất động sản, giá các loại đất trên thị trường tự do ở khu vực Hà Nội sẽ quy hoạch...

Theo tổng hợp của Văn phòng QH, đây là những vấn đề nóng mà các đoàn ĐBQH và cử tri cả nước trông đợi sẽ được đưa ra tại kỳ họp QH lần này, nhưng lại không có trong dự kiến chương trình.
Riêng về giá các loại đất ở khu vực Hà Nội "mới" theo thông tin sẽ được quy hoạch, thời gian gần đây đã lên cơn sốt, như ở nhiều làng quê huyện Ba Vì, Quốc Oai... Các chợ đất “dã chiến” được hình thành tự phát. Một "phong trào" cắt đất chào bán đang cuốn những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vào cuộc đua tìm cơ hội "giàu xổi".

Ngay ở phiên họp bất thường HĐND TP Hà Nội hồi tháng 4, có đại biểu từ huyện Sóc Sơn cũng cho hay: "Mới nghe thông tin sẽ xây đô thị vệ tinh mà giá đất nhiều khu vực đã lên rất cao rồi".

Nhiều báo cáo chưa đến tay QH

Ngoài các dự án luật và báo cáo kinh tế - xã hội thường kỳ, các đoàn ĐBQH đề nghị Chính phủ giải trình thêm về kết quả kiểm tra, đánh giá về quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án thủy điện trong cả nước. Trong đó có việc ban hành và thực hiện quy trình vận hành liên hồ các hồ chứa trên cùng một dòng sông.

Mô tả ảnh.
Người dân Thủ đô đến xem triển lãm đồ án quy hoạch chung Thủ đô cuối tháng 4 vừa qua.

Về việc một số tỉnh biên giới cho nước ngoài thuê đất rừng, các đoàn ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ phải đánh giá tác động với quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ giao từng bộ ngành chuẩn bị các báo cáo riêng để gửi đại biểu tham khảo. Ông Phúc cũng nhận khuyết điểm vì đã để kéo dài các dự án Luật Biển, Luật Thủ đô... sau nhiều lần đưa vào, rút ra, đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.

Chỉ còn một tuần nữa là khai mạc Quốc hội, nhưng mới chỉ có 33/80 tài liệu (chủ yếu dự án luật) được gửi đến đại biểu.

Phần lớn các nội dung quan trọng như báo cáo kinh tế - xã hội, đồ án quy hoạch Thủ đô, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam... sẽ chỉ kịp gửi khi đại biểu về Hà Nội họp.

"Chỉ làm tư vấn cho Chính phủ?"

Theo dự kiến, đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ được thảo luận tại Hội trường một ngày trước khi Quốc hội bế mạc, theo tinh thần Nghị quyết 15 về hợp nhất Thủ đô.

Tuy nhiên, trong Ủy ban Thường vụ QH còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với tính pháp lý của việc đưa đồ án này ra thảo luận (chứ không quyết) ở QH.

Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình trong phiên thảo luận về đồ án hôm qua (11/5), nếu đưa đồ án ra QH thảo luận, sau đó gỡ băng chuyển cho Thủ tướng tham khảo trước khi Thủ tướng phê duyệt thì chẳng hóa ra QH - cơ quan quyền lực cao nhất lại "chỉ làm tư vấn cho Chính phủ?".

Còn theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, đã đưa một đồ án lớn ra thảo luận ở nghị trường là phải có ràng buộc pháp lý về mặt trách nhiệm chứ không phải để Chính phủ "nghe cho biết". Vì QH không thể không có thẩm quyền quyết định với một đồ án mà tổng số vốn đầu tư lên tới 90 tỷ USD, quy mô đất đai, dân số đều lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận khẳng định: "Đến nhà Lý dời đô còn phải lấy ý kiến dân. Hà cớ gì Quốc hội không được tham gia quyết định hình hài và quy mô của Thủ đô?".

Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu như vậy, chỉ nên thảo luận riêng ở các tổ, rồi tổng hợp ý kiến gửi Thủ tướng.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng "chốt" lại, sẽ dành một buổi thảo luận tổ và một buổi ra Hội trường. Về việc đưa đồ án ra bàn ở Quốc hội để làm gì, ông Trọng nói, khi quyết định việc hợp nhất Thủ đô, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ hàng năm báo cáo tiến độ, đồng thời báo cáo quy hoạch chung.

Do đó, đưa đồ án quy hoạch Hà Nội ra thảo luận tại Hội trường tạo cơ hội cho Thủ tướng có thêm thông tin tham khảo trước khi phê duyệt.

Và như vậy sẽ không có ràng buộc pháp lý nào như mong muốn của các vị trong Ủy ban Thường vụ.

Kỳ họp thứ 7 kéo dài từ 20/5 đến 19/6. QH sẽ thảo luận, thông qua 10 dự án luật: Luật thuế nhà đất, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi...

Trước phiên bế mạc, QH cũng sẽ thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Rút Luật Biển Việt Nam khỏi chương trình kỳ họp

Ủy ban Thường vụ nhất trí với đề xuất của Văn phòng QH rút khỏi chương trình kỳ họp thứ 7 việc trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến các dự án Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam, Luật Đầu tư công để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,