- Chỉ với một thông tư, nếu được ban hành, có thể tạo ra "cả núi" yêu cầu hành chính mới và thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra thủ tục hành chính có thể làm khó cho hoạt động kinh doanh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sáng nay (26/5) ở Hà Nội.
Không thể "bước lùi"
Phó Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) Olivier Jacquet dẫn dự thảo thông tư 104 do Bộ Tài Chính đề xuất về bình ổn giá, mà theo ông, nếu được thực hiện, sẽ tạo ra hệ quả các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ phải đối mặt với "cả núi" yêu cầu hành chính mới.
Theo đó, doanh nghiệp được yêu cầu phải công bố về sự độc quyền sản phẩm và các thông tin nhạy cảm về sản phẩm của mình như lợi nhuận biên, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. "Tất cả điều này trái với tinh thần và mục tiêu của Đề án 30 và là một bước lùi trong phát triển thị trường", Eurocham tuyên bố.
Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) Jocelyn Tran cũng cho rằng bên cạnh cách tiếp cận tổng quát phi thị trường đối với việc định giá, thông tư này đã tạo ra những gánh nặng mới về thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm.
"Chúng tôi thấy thông tư này là một bước lùi quay về thời kỳ kế hoạch tập trung, tạo thêm nhiều chi phí và không chắc chắn đối với doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam", bà cho hay.
Ảnh: XL |
Đánh giá cao tham vọng của Đề án 30 về cải cách hành chính, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Thủ tướng đã nỗ lực thực hiện một kế hoạch tham vọng với mục tiêu làm giảm đáng kể chi phí và rủi ro về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Eurocham cho rằng điều cốt yếu là không đưa ra thêm các thủ tục hành chính mới, hay phê duyệt bổ sung những "giấy phép con".
Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng than phiền thường phải trải qua thủ tục thông quan hàng hóa rườm rà, giống nhau. Amcham kiến nghị ngành hải quan nên đưa ra các quy định thông quan đơn giản đối với các lô hàng có giá trị thấp với quy trình thân thiện, đơn giản, mức độ kiểm soát và can thiệp thấp hơn.
Nan giải bài toán nhân lực
Khoảng 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng lao động. 78% người dân tuổi từ 20 đến 24 không được đào tạo hoặc không có những kỹ năng họ cần. Dẫn thống kê này, bà Jocelyn Tran than "duy trì nguyên trạng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay về cơ bản sẽ không phù hợp với những đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế".
Các doanh nghiệp châu Âu cũng cho hay họ thường gặp khó khăn trong việc thuê tuyển những người có tay nghề cao ở hầu hết các cấp độ. Việc giáo dục và đào tạo thường không tính đến nhu cầu của các công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Eurocham kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách giáo dục nhưng phải tính đến hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân.
"Chương trình giảng dạy phải tính đến cả nhu cầu về học thuật và nhu cầu công nghiệp. Sự hợp tác với khu vực tư nhân là vấn đề then chốt, đặc biệt đối với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, giáo trình, cung cấp thực tập và giúp đỡ cung cấp trang thiết bị hiện đại và giảng viên từ các công ty nước ngoài", theo Eurocham.
PPP cho đầu tư cơ sở hạ tầng
Tại Diễn đàn, nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý chờ cơ hội cho khu vực tư nhân nước ngoài tham gia các dự án cơ sở hạ tầng.
Việt Nam dự kiến sẽ cần khoảng 70 - 80 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong chỉ 5 - 10 năm tới. Để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, Chính phủ mới đây đã thông qua Nghị định 108, có hiệu lực từ 15/1/2010, bao gồm các quy định mới liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng và sự tham gia của khu vực tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đưa ra dự thảo quy định về "thí điểm thực hiện các dự án PPP (hợp tác công - tư) trong việc phát triển cơ sở hạ tầng".
Theo ông Olivier Jacquet, thách thức lớn hiện nay là đồng bộ hóa các loại hình cơ sở hạ tầng khác nhau để làm tăng lưu lượng hàng hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm. Theo ông, các dự án PPP sẽ là nhân tố quan trọng để nâng cấp cơ sở hạ tầng Việt Nam.
-
Xuân Linh