221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1279381
Hồ Chí Minh - Vị khách 6 tuần của gia đình tôi
1
Article
null
Hồ Chí Minh - Vị khách 6 tuần của gia đình tôi
,

- Ở tuổi 96, ông Raymond Aubrac vẫn nhớ rõ những kỷ niệm ở khu vườn nhà ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô phía Bắc Paris cách đây 64 năm, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại đây 6 tuần…

1946. Nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Pháp lần đầu tiên với danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuy nhiên, chuyến thăm Pháp kéo dài hơn dự kiến, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9, do Pháp có cuộc bầu cử quốc hội và phải thay đổi chính phủ. Cũng trong khoảng thời gian này, ở Pháp diễn ra Hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Nam với đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia đoàn đàm phán. Người đã ở lại cho đến khi cùng với Bộ trưởng Hải ngoại Marius Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước với hy vọng cứu vãn hòa bình.

Một ngày tháng 7 năm 1946, một Việt kiều ở Pháp tổ chức chiêu đãi tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những khách mời là Raymond Aubrac.

Trò chuyện trong buổi gặp gỡ đầu tiên, người bạn Pháp cảm nhận và chia sẻ sự gắn kết gần gũi về lý tưởng đấu tranh cách mạng với Hồ Chủ tịch.

“Đó là mối quan hệ giữa cuộc kháng chiến của lực lượng yêu nước Pháp và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam”, ông Raymond Aubrac kể lại.

Khi đó, ông đã nảy ý định mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở nhà riêng của mình ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô phía Bắc Paris, dù Chính phủ Pháp dành cho Người một tầng trong một ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn.

Mô tả ảnh.
1946. Hồ Chủ tịch bế con gái đỡ đầu, Elisabeth Aubrac.

Trong 6 tuần, kể từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại căn nhà của người bạn Pháp. Một ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 18 như nhà nghỉ cho một gia đình quý tộc với khu vườn rộng bên trong có những cụm hoa lớn và thảm cỏ trải rộng.

Lúc đó, Aubrac sống với vợ đang chuẩn bị sinh con thứ ba, hai con gái nhỏ, mẹ vợ và một người giúp việc. Trong thời gian ở cùng gia đình, đích thân bà Aubrac và mẹ bà nấu ăn cho Hồ Chủ tịch. Mỗi sáng, người nhà của cụ Aubrac mang đến cho Hồ Chủ tịch sách báo tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức, Nga, Trung Quốc.

Trong khu vườn yên tĩnh, Người đọc báo và trao đổi với khách viếng thăm. Thời gian lưu lại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo…

Một trong những kỷ niệm khiến ông Aubrac, giờ đã 96 tuổi, vẫn nhớ rõ, đó là những tình cảm bình dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những người sống trong gia đình ông.

“Thời gian Người ở nhà chúng tôi, có người bạn Pháp hỏi tôi phải chăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở nhà chúng tôi để giải trí, bắn súng? Không, không phải như vậy. Người ở đó tranh thủ tìm hiểu qua chúng tôi về bạn bè, đời sống ở nước Pháp, hoàn cảnh của nhân dân Pháp, nhất là những người sống ở vùng nông thôn.

Chủ tịch nói chuyện mẹ vợ của tôi, qua đó so sánh với điều kiện sống của nông dân Việt Nam”, ông Aubrac nhớ lại.

Một thói quen của Hồ Chủ tịch khiến người chủ nhà nhớ mãi, đó là đến một nơi trồng hoa trong vùng gần nhà nhiều lần trong tuần để mua hoa về nhà cắm. Khi bà Aubrac sinh hạ cô con gái út, được gia đình đặt tên là Elizabeth, đích thân Hồ Chủ tịch đã mua hoa và quà đến nhà hộ sinh Port-Royal ở Paris để mừng bé chào đời và nhận làm cha đỡ đầu.

Và sau này, cứ đều đặn hàng năm, bất kể chiến tranh, vào ngày 15 tháng 8, dịp sinh nhật của Elizabeth, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi quà hoặc lời chúc mừng đến gia đình.

Không phải là đảng viên cộng sản nhưng với tinh thần tiến bộ, ông Aubrac đã trở thành "bạn đồng hành" trong kháng chiến cách mạng của những đảng viên cộng sản. Cuộc hội ngộ Hồ Chủ tịch lần hai ở Bắc Kinh năm 1955 đã đưa ông trở thành “trọng tài đàm phán” trong hiệp định thương mại lần thứ nhất giữa Việt Nam và Pháp vốn bị đình trệ.

  • Xuân Linh

Kỳ tới: Hội ngộ Bắc Kinh và lần gặp cuối

Cuộc hội ngộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh lần hai và hành trình 10 ngày trên tàu đến Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc đàm phán trung gian kéo dài 5 phút, giúp hai bên đặt bút ký hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Ông Aubrac cũng bí mật có mặt tại Hà Nội năm 1967 - lần gặp gỡ cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp trao đổi thông điệp với Washington về việc yêu cầu Mỹ chấm dứt vô điều kiện ném bom xuống miền Bắc 1967.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,