- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua (25/5), Phó đô đốc Tư lệnh quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến khẳng định lực lượng hải quân sẽ cố gắng hết sức mình để bảo vệ ngư dân.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
Tuần tra chung tạo lòng tin
Thưa ông, hoạt động tuần tra chung của Hải quân nước ta với các nước láng giềng thời gian qua thực hiện ra sao?
Những năm gần đây, chúng ta đã tích cực tổ chức tuần tra chung với các nước trong khu vực để giữ hòa bình cho các vùng biển.
Thí dụ như với Thái Lan tổ chức được 20 chuyến, Campuchia tương tự như thế và gần đây là với Trung Quốc lên tới chuyến thứ 9. Sau chuyến thứ 9 thì nâng cấp lên một bước nữa là tổ chức diễn tập chung, tìm kiếm cứu nạn.
Đây là sự phát triển mới trong hoạt động hợp tác giữa hai nước để duy trì Vịnh Bắc Bộ hòa bình và ổn định.
Trước hết là để các bên nắm tình hình vùng biển để xem vi phạm ở các vùng biển có hay không và ai vi phạm ai.
Thứ hai, để phát hiện, ngăn ngừa vi phạm và giao lưu tiếp xúc tạo lòng tin. Điều này rất quan trọng nhất là trong hoạt động tuần tra chung trên biển có động tác giao lưu, đánh tín hiệu trao đổi, chào hỏi và giao lưu với nhau.
Vừa rồi sau khi tuần tra chung còn về thăm cảng lẫn nhau và có các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các kíp tàu với nhau.
Việc này cũng tạo sự tiếp xúc giữa các thế hệ, không chỉ ở cấp cao mà cả sĩ quan trẻ, là những người trực tiếp làm việc trên biển với nhau.
Hoạt động tuần tra như vậy có giúp hoạt động đánh cá trên biển của ngư dân hai bên đi vào ổn định hơn?
Tuần tra giúp nhiều. Ngư dân thấy sự có mặt của lực lượng tuần tra liên hợp, thấy sự quan tâm của lãnh đạo, cơ quan quản lý của hai nước đối với việc giữ an ninh, trật tự trên vùng tuần tra đánh cá chung sẽ từng bước giảm dần vi phạm.
Sự có mặt của hải quân ta cũng giúp bà con an tâm hơn trong hoạt động đánh cá trong vùng biển của mình, khuyến khích bà con ra khơi đánh cá.
Chúng ta và Trung Quốc đã có những hoạt động hợp tác nào tương tự ở trong Vịnh Bắc Bộ?
Giữa chúng ta và Trung Quốc đã có đường dây nóng. Cũng đã có một số trường hợp như bị nạn thì thông báo.
Trong cơn bão Chanchu hay các cơn lớn thì hai bên có gọi điện trao đổi với nhau, nhất là giúp những nạn nhân trên biển, giúp đỡ để cứu hộ.
Kinh nghiệm hợp tác ở đây có giúp ích gì cho những nơi khác tranh chấp khác trong Biển Đông, nhất là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà vừa qua nổi lên nhiều vấn đề căng thẳng?
Trước hết là tạo sự tin cậy và giao lưu giữa hai hải quân để sau đó tạo cơ sở cho chính phủ. Cấp cơ sở, quản lý trực tiếp kiến nghị lên sẽ tạo cơ sở điều kiện cho chính phủ dễ quyết sách hơn.
Ví dụ như tàu cá Trung Quốc vi phạm thì chúng tôi chủ yếu xua đuổi ra khỏi phạm vi 12 hải lý ở Trường Sa và ở đặc quyền kinh tế chứ không bắt, không phạt.
Chúng tôi cũng muốn là hải quân Trung Quốc có ý kiến để cũng áp dụng tương tự, tức là không bắt, không phạt, không bắn vì ngư dân là những người rất khó khăn trên biển.
Trong trường hợp cứu nạn, cứu hộ hay bão thì ngư dân phải được vào các đảo. Hải quân Việt Nam đã cho phép tàu cá Trung Quốc vào khi cứu nạn.
Có nhiều lần tàu cá Trung Quốc gặp nạn trong vùng mép biển xanh, bộ đội hải quân chúng ta đã buộc dây thừng vào người, ôm phao ra cứu từng ngư dân Trung Quốc.
Có thể tổ chức các hoạt động tuần tra chung ở vùng biển còn tranh chấp?
Vấn đề này liên quan tới chủ quyền. Ở vùng biển nào phân định rồi thì tổ chức tuần tra chung được vì đã đưa tàu quân sự ra là liên quan tới chủ quyền.
Từng bước chuyển biến
Vừa qua Trung Quốc có đưa tàu Ngư chính ra tuần tra trên Biển Đông, điều đó có tác động thế nào đến ta?
Trước đây họ chỉ đi một quý một lần và chủ yếu bảo vệ ngư dân của họ xâm phạm vùng biển của Malaysia và Indonesia phía nam quần đảo Trường Sa. Ở Trường Sa họ không bắt phạt, trừ Hoàng Sa. Hiện ta đang đấu tranh quyết liệt về vấn đề này.
Ta ứng xử với ngư dân Trung Quốc song thời gian qua phía Trung Quốc bắt giữ rất nhiều ngư dân của ta, đòi tiền chuộc... như vậy có đi có lại không?
Tôi thấy đang từng bước có chuyển biến. Họ có một số lần đã tự động ra cứu nạn và chuyển người cho hải quân VN nhận về. Trước đây mới chỉ điện thoại trao đổi nhưng nay họ tự động làm, tức là đã có chuyển biến. Cái này nó cũng cần có thời gian.
Năm nào Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá thì hải quân có khuyên gì với ngư dân ta thời điểm này?
Hiện ta phản đối quyết liệt cái đó. Trung Quốc không được phép cấm đánh bắt cá trong vùng biển không phải của mình. Tuyên bố như thế là sai và ta tiếp tục phản đối quyết liệt.
Ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt cá bình thường, trừ các đảo mà họ đóng quân thì ngư dân không nên vào trong 12 hải lý, còn trường hợp bão gió thì vào lánh nạn bình thường.
Là Tư lệnh hải quân, ông có lời gì với bà con đang lo lắng khi ra khơi đánh cá?
Bà con hoàn toàn không nên lo lắng. Các tàu hải quân đi vòng quanh Biển Đông, có tàu nào gặp nạn là cấp cứu hết.
Chúng ta khuyến khích bà còn đi đánh bắt ở các vùng biển để khẳng định chủ quyền nhưng cũng khuyến cáo bà con với những vùng tranh chấp không nên vào quá 12 hải lý, trừ trường hợp khẩn cấp, bão tố, tai nạn.
Hơn nữa, bà con cũng phải chấp hành đánh cá đúng quy định quốc tế như không đánh bắt cá bé, không dùng thuốc nổ...
Hiện nay hải quân đang làm rất quyết liệt trong vùng biển 200 hải lý. Trước hết là làm "sạch" vùng biển 200 hải lý, tàu nước ngoài vào là đuổi ra.
Trong vùng biển 200 hải lý thì đánh cá chỉ có ngư dân của ta, không bị tranh giành. Lực lượng hải quân sẽ cố gắng hết sức mình để bảo vệ ngư dân.
- Cao Nhật ghi