Đường sắt cao tốc: "Rất muốn Quốc hội thông qua"
- TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng mong muốn Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sau đó sẽ làm báo cáo khả thi.
Chưa nói được lãi bao nhiêu
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư dự án sẽ được trình Quốc hội chiều mai (20/5) này. Giải thích trước các chuyên gia tại cuộc hội thảo do VUSTA tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Hữu Bằng nói đây là giai đoạn đầu tiên, chưa thể nói dự án cần bao nhiêu vốn, sẽ lãi bao nhiêu.
“Vì bàn cái chưa có nên khi lựa chọn tiêu chí làm báo cáo đầu tư cũng như lựa chọn công nghệ, chúng ta rút kinh nghiệm các nước. Vì sao Đức và Pháp ở gần nhau mà Đức cải tạo rồi buộc lòng bây giờ phải làm mới, còn Pháp thì làm thẳng đường cao tốc luôn? Vì sao Trung Quốc có mạng lưới đường sắt bằng ½ thế giới mà họ vẫn làm mới đường sắt cao tốc, họ còn đang hướng ra thế giới bằng “con đường tơ lụa bằng sắt”, ông Bằng nói.
Tổng giám đốc Bằng cũng bày tỏ "rất muốn được Quốc hội thông qua" để làm báo cáo khả thi. Khi báo cáo khả thi được duyệt rồi mới quan tâm có vốn đối ứng không, vay ra sao, trả được không, quyết định phân kỳ hay làm cả…
Đến năm 2035, những đoàn tốc cao tốc sẽ ngược xuôi hai miền Nam - Bắc? Ảnh: Báo cáo đầu tư VJC |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lã Ngọc Khuê cũng lưu ý, để làm một đường sắt xuyên Việt thì không thể chỉ trong 2 thập kỷ, phải bắt đầu tính toán từ hôm nay.
“Nếu 15 năm trước, cùng với quyết định làm đường Hồ Chí Minh, chúng ta bàn làm lại đường sắt, dù chưa phải cao tốc, thì hôm nay, chúng ta bàn chuyện đường sắt cao tốc với một sự chuẩn bị về vật chất, kinh nghiệm khác lắm rồi”, ông Khuê luyến tiếc.
Quan điểm của ông Khuê là có thể đi nhanh một chút, có thể gọi là “biện pháp sốc”, tất nhiên không sốc quá khiến nền kinh tế không chịu được.
Được Văn phòng Quốc hội mời đến cuộc họp báo về kỳ họp QH hôm thứ hai (17/5), Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức cũng nói, sau khi QH đồng ý chủ trương, Bộ sẽ tính toán hiệu quả kinh tế và phương án huy động vốn.
"Làm khó" Quốc hội?
Vậy nhưng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm nhận xét việc đưa ra xin ý kiến QH trong bối cảnh vội vàng chẳng khác nào “làm khó” QH: “Bây giờ đưa ra thì trong một thời gian rất ngắn, QH đã phải cho ý kiến đồng ý hay không đồng ý".
Theo Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT - TRICC, đại diện Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), đơn vị lập báo cáo đầu tư xây dựng (nghiên cứu tiền khả thi) của dự án, quá trình lập báo cáo này diễn ra từ tháng 8/2008 đến tháng 2/2009.
Điều này khiến ông Liêm ngạc nhiên: "6 tháng là thời gian kỷ lục cho báo cáo đầu tư một dự án có quy mô 56 tỷ USD".
Cũng theo ông Liêm, báo cáo thẩm tra do VJC thực hiện chỉ trong 2 tháng cũng là quá nhanh.
"Nếu không tham gia trước thì sao thẩm tra nhanh thế?", ông Liêm nghi vấn về tính khách quan cũng như mối quan hệ giữa đơn vị lập báo cáo và đơn vị thẩm tra.
Ông Liêm cho như thế nghĩa là quá trình hình thành dự án thiếu tính cạnh tranh và độc lập khách quan. “Liệu đây có là thông lệ không hay của nhiều dự án sử dụng vốn ODA mà nước dự định cho vay đã cử tư vấn sang nghiên cứu dự án, ước tính số vốn để có đầy đủ thông tin cần thiết, còn bên đi vay được cái không phải chi tiền tư vấn, chỉ việc chấp nhận để có đồng vốn vay?”.
"Cách thức đối xử với các dự án quy mô lớn như thế làm tôi rất lo lắng", ông Liêm nói.
-
Chí Hiếu