Đường sắt cao tốc “đẩy lùi” đường bộ?
- Với quy mô đầu tư của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (ĐSCT), nếu thực hiện, liệu Việt Nam có đủ sức để làm đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị như đã vạch ra hay các dự án đó sẽ bị loại bỏ hoặc đẩy lùi? - Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi của "siêu dự án" ĐSCT.
"Tay trái không biết tay phải làm gì"
Ý tưởng xây dựng dự án ĐSCT được manh nha từ đầu những năm 2000. Khi ấy, ước tính tổng mức đầu tư vào khoảng 33 tỉ USD.
Đến thời điểm này, khi báo cáo đầu tư đang sắp sửa được chủ đầu tư (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) trình Quốc hội, tổng mức đầu tư đã là 55,8 tỉ USD.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giao thông, với mức tăng khoảng 20-30% từng thời kỳ từ ý tưởng, tới khi lập báo cáo tiền khả thi, đến lúc thực hiện, tổng mức đầu tư sẽ vào khoảng 100 tỉ USD.
Với con số tăng trưởng rất lạc quan của nền kinh tế mà báo cáo đầu tư giả định: GDP đạt 6,4%/năm liên tục trong 25 năm tới, TS Nguyễn Quang A nhẩm tính, năm 2035, GDP sẽ vào khoảng 500 - 600 tỉ USD. Nghĩa là, riêng dự án ĐSCT cũng đã chiếm khoảng 16 - 18% GDP.
Báo cáo mang tên “Đường sắt cao tốc: Kỳ vọng và thách thức” của nhóm chuyên gia GTVT và đô thị - VUSTA (Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam) thì tính toán chi tiết hơn. Theo đó, đến năm 2020, dự án này sẽ chiếm khoảng 23,5 - 32,9% số vốn cho ngành giao thông vận tải.
Tàu cao tốc công nghệ Shinkansen Nhật Bản. Ảnh: Báo cáo VUSTA |
Báo cáo cảnh báo, điều này có thể làm giảm tỷ trọng đầu tư cho các ngành khác, các dự án khác trong khi lĩnh vực nào cũng cần phải đầu tư.
Trên cơ sở ấy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có bỏ đường bộ không, bỏ đường sắt đô thị không hay phải đẩy lùi các dự án đó?
Cụ thể hơn, TS Phạm Sỹ Liêm (Tổng hội Xây dựng) dẫn số liệu của chính Bộ GTVT về các dự án: sắp tới phải làm 5.783km đường bộ cao tốc, dự án này ít nhất cũng chiếm khoảng 100 tỉ USD; Đầu tư vào 49 luồng tuyến đường thủy nội địa với 73 cảng hàng, 23 cảng hành khách, hàng chục cảng hàng không với tổng diện tích 23.000ha, trong đó có 10 cảng quốc tế.
Chỉ riêng với đường sắt, đến năm 2020, ngoài ĐSCT còn xây hàng loạt tuyến mới: Yên Viên - Cái Lân, Biên Hòa - Vũng Tàu, Lào Cai - Hải Phòng, Tháp Chàm - Đà Lạt.
Đến năm 2030 còn xây dựng mạng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hành lang nam Móng Cái, Lạng Sơn - Quảng Ninh.
“Toàn những dự án của Bộ GTVT, trong khung thời gian 2020 - 2030 cả. Đừng để tay trái không biết tay phải làm cái gì”, ông Liêm cảnh báo.
Quy hoạch giao thông: "Sinh con rồi mới sinh cha"
Khi bàn về chủ trương này, TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển GTVT cho rằng, không hẳn phải chờ tới khi chúng ta phát triển đến mức thu nhập cao mới nên làm ĐSCT. Bởi theo ông Hùng, Nhật Bản có ĐSCT năm 1964, khi thu nhập đầu người bình quân cũng ở mức 865 USD/người, tức ngang Việt Nam hiện nay.
Nhưng ông Hùng đặc biệt lưu ý: Nhật Bản tự sản xuất, sáng tạo ra công nghệ nên chắc chắn chi phí rẻ, khác hẳn với Việt Nam đi nhập nhẩu. Hơn nữa, văn hóa đường sắt trong đời sống Nhật Bản đã có giá trị truyền thống, hoàn toàn khác chúng ta.
Song, TS Khuất Việt Hùng đánh giá, “đường sắt cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, bố trí lại sản xuất quốc gia cũng như định hướng lại phát triển không gian quốc gia”
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm khẳng định, nói thế chẳng khác nào nói ngược, kiểu "sinh con rồi mới sinh cha".
TS Phạm Sỹ Liêm
“Các nước lập quy hoạch phát triển đô thị trước rồi mới làm đường để kết nối đằng này chúng ta đi ngược lại”, ông Liêm lo lắng.
TS Liêm nhấn mạnh: Trong quy hoạch kết cấu hạ tầng, có hai việc là chọn lựa và phân hạng thứ tự ưu tiên.
Ông Liêm cho rằng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên giới thiệu cụ thể chương trình đầu tư cho toàn bộ hệ thống hạ tầng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 kèm theo danh mục và mức đầu tư cho các dự án hạ tầng quy mô lớn và bảng xếp hạng ưu tiên từng dự án. Rồi dựa vào đó mới đánh giá được mức độ ưu tiên cho ĐSCT.
Đặc biệt, ông Liêm cho rằng: "Nhu cầu và hiệu quả của dự án đầu tư cảng biển vùng Đông Nam Bộ đồng thời nâng cấp đường bộ và đường sắt nối liền ba miền sẽ cao hơn nhiều so với dự án ĐSCT 55,8 tỉ USD".
Vì vậy, ông Liêm tán thành việc nâng cấp đường sắt hiện tại và dành thời gian thêm 5 năm nữa, từ 2011 đến 2015 để nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây mới ĐSCT. "Khi ấy, xây dựng đợt đầu thời gian nào, khối lượng đến đâu thì tùy theo thứ tự ưu tiên và khả năng vốn”.
-
Chí Hiếu