Mỗi km đường sắt cao tốc Bắc-Nam "ngốn" 680 tỷ đồng

Cập nhật lúc 05:39, 18/04/2010 (GMT+7)

- Nghe báo cáo về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chiều nay (17/4), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lo lắng về hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như phương án huy động cho lượng vốn dự kiến trên 55 tỷ USD.

Với chiều dài 1.570 km, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ có 27 ga (25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối) trên toàn tuyến, đi qua 20 tỉnh, thành phố.

Chủ yếu từ ngân sách nhà nước

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trình bày khẳng định sự cần thiết phải có tuyến đường sắt cao tốc, sau khi phân tích nhu cầu vận chuyển đến năm 2030 trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, để đưa tuyến đường sắt cao tốc đi vào khai thác năm 2020, thì thời gian bắt đầu thiết kế xây dựng dự án phải được tiến hành muộn nhất vào năm 2012.

Mô tả ảnh.
Với chiều dài 1.570 km, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố, có tổng đầu tư dự kiến hơn 55 tỷ USD

Ông Dũng cho biết, phương án đầu tư Chính phủ lựa chọn là sẽ nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách.

Về công nghệ, báo cáo đầu tư kiến nghị sử dụng công nghệ động lực phân tán mà đại diện cho công nghệ này là đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản.

Tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 tỷ USD, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng/km, tương đương 35,6 triệu USD/km.

Báo cáo dự án đầu tư đề ra 2 phương án huy động vốn nhưng chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh tính toán bình quân mỗi năm phải huy động 4,368 tỷ USD.

"Như vậy vốn nhà nước rất lớn, khó có thể đáp ứng được, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án, công trình quan trọng khác", ông Minh nói.

Có cạnh tranh được với hàng không?

Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng báo cáo đầu tư mới nhìn nhận giá trị trực tiếp dự án mang lại.

Dự án đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn nhưng tính toán cho thấy hiệu quả tài chính không cao.

Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền băn khoăn: "Với dự tính giá vé bằng 75% vé máy bay, cần xem xét ảnh hưởng như thế nào đối với lượng hành khách đi tàu khi đối tượng này còn có cơ hội lựa chọn phương tiện khác là đường hàng không".

Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng "tờ trình của Chính phủ chưa phân tích rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản".

Vì vậy, đề nghị Chính phủ lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư.

Cũng bày tỏ sự lo lắng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: "Vốn của dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh phải được cân đối trong tổng thể nhu cầu vốn của nền kinh tế".

Mặt khác, việc huy động vốn cho dự án này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư của các ngành, lĩnh vực quan trọng khác theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo của đất nước.

Liên quan đến di dân tái định cư, báo cáo đầu tư ước tính hơn 16 000 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng, trong đó gần 9.500 hộ bị mất đất ở, hơn 7.000 hộ mất đất sản xuất.

Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh cũng cho rằng "trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo đầu tư, phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này".

Mặc dù tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nhưng Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng "chưa nên quyết định cụ thể tại kỳ họp thứ 7 tới đây vì rất cần để các đại biểu Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét".

Với tốc độ 300 km/h, tàu sẽ chạy trong 5h38’ từ Hà Nội đến TP.HCM (đối với tàu nhanh, chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6h51’ với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.

Thời gian chạy từ Hà Nội - Vinh dự kiến là 1h24’, TP.HCM - Nha Trang 1h30’.

  • Cao Nhật

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác