221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1282057
Chưa đánh thuế nhà ở
1
Photo
null
Chưa đánh thuế nhà ở
,

- Thảo luận về dự thảo Luật thuế nhà, đất tại Hội trường chiều nay (25/5), đa số đại biểu đồng ý chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Xuất phát từ điều này, UBTVQH đề nghị sửa tên luật thành “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.

Mô tả ảnh.
Đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ giải lao chiều 25/5. Ảnh: Cao Nhật

Tuy nhiên, điều này không được đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đồng tình, với lí do “dự án nhà cao tầng chưa xây xong đã hết, đầu cơ đã đẩy giá nhà cao khiến phần lớn người làm công ăn lương không tiếp cận được nhu cầu nhà ở tối thiểu".

Chia sẻ ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: "Chỉ cần đi ô tô từ sân bay Nội Bài vào Hà Nội, thấy một bên đường rất nhiều biệt thự bỏ hoang, trong khi đó đang có bao nhiêu người dân không nhà ở".

Theo ông, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, “Luật thuế cần đánh vào người có nhiều nhà đất, nhà đầu cơ để điều tiết xã hội”.

Cũng theo ông Lịch, việc đánh thuế nhà ở đã không được người dân ủng hộ vì chúng ta nói không rõ, chúng ta chỉ đánh thuế người nào có sở hữu nhiều nhà chứ không phải “đánh” tất cả mọi người dân.

Ngoài ra, theo ông Lịch cần phải tiến hành điều tra lại thực tế tình hình sở hữu nhà, đất hiện nay của dân.

"Phải có một cuộc khảo sát toàn quốc về tình trạng bỏ đất hoang, chiếm cứ, tạo sự ức chế cho thị trường vì đây là nguyên nhân đẩy giá đất lên cao bất thường so với mặt bằng kinh tế và thu nhập người dân”, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Lịch, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng cần rà lại xem mục tiêu của luật so với yêu cầu thực tiễn, tác động đời sống như thế nào.

Ông Dũng khẳng định mục tiêu chúng ta chưa đạt được, không thì luật ra hình thức, chỉ giải quyết được vấn đề thu ngân sách. Yêu cầu thực tiễn là chống đầu cơ, hạ giá đất xuống, muốn người dân có nhà thì phải hạ được giá đất.

"Nếu chỉ vì mục tiêu thu ngân sách thì chỉ nên sửa pháp lệnh cũ là đủ", đại biểu Lê Quốc Dung khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh bày tỏ quan điểm: “Thực tế giá trị nhà ở gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất".

Do vậy, theo ông Ninh, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

Đánh thuế đất lấn chiếm

Về xác định diện tích đất tính thuế, dự thảo luật quy định diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp chưa có giấy chứng nhận là diện tích đất thực tế đang sử dụng.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, quy định diện tích đất chịu thuế nếu chỉ căn cứ vào diện tích ghi trên giấy là chưa chặt chẽ vì tình trạng lấn chiếm vẫn đang xảy ra, "nhiều trường hợp diện tích lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận".

Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, Nhà nước vẫn đang thu thuế đối với toàn bộ diện tích đất sử dụng thực tế mà không phụ thuộc vào việc toàn bộ diện tích đất đó có ghi trong giấy chứng nhận hay không.

Ngoài ra, một số ý kiến ĐBQH cho rằng, mức thuế suất quy định trong dự thảo luật là thấp, chưa phù hợp với mục tiêu hạn chế đầu cơ; chưa có tác dụng hạn chế sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa.

Về trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở, dự thảo luật quy định phương pháp cộng dồn diện tích đất chịu thuế trên phạm vi cả nước để tính thuế.

UBTVQH cho rằng, "việc làm này có ý nghĩa đối với việc góp phần hạn chế đấu cơ nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, quy định này khó triển khai trên thực tế".

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, thuận tiện trong áp dụng luật và phù hợp với quy định về hạn mức sử dụng đất của từng tỉnh, UBTV đề xuất chỉ tính tổng diện tích đất chịu thuế thuộc quyền sử dụng của người nộp thuế tại từng tỉnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này và bày tỏ quan điểm “đánh thuế nhà ở cũng chỉ góp một phần ngăn chặn đầu cơ, còn các chính sách thuế khác điều chỉnh”.

Dự thảo luật quy định luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011 nhưng đa số ý kiến băn khoăn về tính khả thi đã kiến nghị lùi thời điểm Luật có hiệu lực thi hành thêm 1 năm.

  • Cao Nhật
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,