221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1274003
Mở trường dễ dãi: Không nên thương địa phương kiểu đó
1
Article
null
Mở trường dễ dãi: Không nên thương địa phương kiểu đó
,

- Cầm trên tay báo cáo kết quả giám sát việc thành lập, đầu tư và đảm bảo chất lượng đại học, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn khẳng định: "Địa phương luôn tìm cách chạy lên bộ, ngành xin mở trường. Việc mở trường đơn giản hết sức... Thông cảm với địa phương là tốt nhưng đó không phải là thương địa phương mà là quá dễ dãi và coi thường chất lượng".

Giáo dục đi đến đâu?

Mô tả ảnh.
Ảnh: Phạm Hải
Ủy ban Thường vụ QH đã dành cả chiều nay (16/4) thảo luận về kết quả đợt giám sát thành lập các trường ĐH.

Ông Trần Đình Đàn kể lại khi còn làm Bí thư Hà Tĩnh, ông đã từng xách cặp lên các bộ xin mở một trường ĐH cho tỉnh nhà. Nhưng lên đến Văn phòng Chính phủ thì "ách" lại vì chưa đủ điều kiện.

"Phải đến sáu, bảy năm sau đó chúng tôi mới chuẩn bị xong, mời một giáo sư ở Hà Nội về làm hiệu trưởng. Rõ ràng quyết định dừng lại của Chính phủ hồi đó rất đúng", ông Đàn nói.

Gần đây, việc mở trường trở nên quá đơn giản, có phần do sự dễ dãi của các bộ, ngành. Nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở tỉnh cũng dễ dàng mở trường cao đẳng. "Chúng tôi làm bí thư, chủ tịch thì rất mong mở trường. Nhưng có những đơn vị được lập quá giản đơn, hết sức không an tâm", ông Đàn nói.

Chia sẻ với nhu cầu "nhà nhà lập trường", nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền phản đối việc cho phép các tỉnh được thoải mái mở trường ĐH vì hoàn toàn có thể huy động nguồn lực xã hội để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ.

"Khi còn làm ở dưới Quảng Ninh, cũng có một thời gian tôi say sưa với việc này. Cũng đi khảo sát ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa để chuẩn bị xin mở trường. Nhưng rồi chúng tôi thấy rằng không thể làm ngay được", ông Hiền nói.

Theo đoàn giám sát, hiện Bộ GD chỉ quản lý 54 trường ĐH, CĐ. Có tới 125 trường do tỉnh thành quản lý. Còn lại là các bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lo lắng: "Tỉnh nào cũng có trường ĐH, CĐ thì sẽ đưa mạng lưới giáo dục đến đâu? Không thể có ĐH tỉnh nhà, ĐH bộ nhà".

Tính từ 1998 đến 2009, có tới 312 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp từ các khoa hoặc từ hệ cao đẳng lên đại học, nâng tổng số các trường lên 412. Trung bình mỗi tỉnh có tới 6,5 trường ĐH, CĐ. 78% trong đó là nâng cấp từ các khoa, các trường cao đẳng, trung cấp. Chỉ 22% thành lập mới.

Tính riêng giai đoạn 2005 - 2009, có tới 200/312 trường ĐH, CĐ được thành lập.

Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn kiến nghị nên tập trung một đầu mối quản lý các trường ĐH, CĐ, chẳng hạn, lập Bộ Đào tạo đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì đề xuất lập Tổng cục Giáo dục ĐH như một số tổng cục chuyên sâu ở nhiều bộ.

"Giải thể hoặc hạ cấp"

Lo ngại của các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cũng xuất phát từ kết quả mà đoàn giám sát đã chỉ ra sau thời gian đi thực tế.

Theo phó trưởng đoàn Đào Trọng Thi, gần đây, việc cho phép thành lập mới các trường có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ GV không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương.

Việc nâng cấp các trường và mở rộng cơ cấu đào tạo đa ngành diễn ra trên diện rộng tuy có vẻ tận dụng được đội ngũ sẵn có nhưng thực chất đội ngũ này chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở bậc cao hơn.

Tình trạng nhiều trường mới được thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt quá năng lực cũng dẫn tới hệ luỵ.

"Quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo của hầu hết các trường mới thành lập đều do các trường tự đề xuất, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế", ông Thi nói.

Từ khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên, rất nhiều trường chưa thực hiện đồng bộ 4 yêu cầu về đất đai, đội ngũ, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Các trường thường không đạt những tiêu chí cơ bản như số lượng và chất lượng đội ngũ GV cơ hữu, diện tích, thiết bị thí nghiệm, thực hành...

Một số cơ sở sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây dựng trường (ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương...) hoặc phải tự xoay sở trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐH Đại Nam). Có trường không thể mở rộng diện tích, giảng đường, phòng thí nghiệm do diện tích xây dựng quá chật hẹp (ĐH Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội).

20% các trường mới thành lập, nâng cấp còn phải thuê mướn cơ sở. Một số trường ngoài công lập tuy đã có đất nhưng chỉ đủ vốn đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cầm chừng.

Ủy ban Thường vụ QH đề xuất, Chính phủ cần ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Địa phương chỉ mở trường khi ngân sách đảm bảo. Hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy; đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường.

Đặc biệt, tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt với các trường ngoài công lập đã mở hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng.

Từ 1987 đến 2009, tổng số SV cả nước tăng 13 lần nhưng số GV chỉ tăng 3 lần.

Nhiều GV dạy tới 1.000 tiết/năm, gấp gần 4 lần so với quy định.

Mục tiêu đến 2015 đạt ít nhất 50% GV trình độ tiến sĩ nhưng đến nay mới đạt 10,16%. Suất đầu tư từ ngân sách cho 1 sinh viên là 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/năm (định mức là 6 triệu đồng).

  • Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,