221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1273984
Đâu chỉ có an toàn hạt nhân!
1
Article
null
Đâu chỉ có an toàn hạt nhân!
,

- Chừng nào “ngoại giao pháo hạm”, nước lớn ức hiếp nước nhỏ vẫn chưa bị lên án thì các vấn đề toàn cầu khác, kể cả an ninh, an toàn hạt nhân của thế giới vẫn còn là một quá trình diệu vợi!

Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị An ninh hạt nhân vừa diễn ra tại Washington, Mỹ ngày 12-13/4. Ảnh: Xinhua
Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị An ninh hạt nhân vừa diễn ra tại Washington, Mỹ ngày 12-13/4. Ảnh: Xinhua

Cấp cao an ninh hạt nhân trong ngày 12-13/4 ở Washington là hội nghị lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới do một Tổng thống Mỹ chủ trì, kể từ hội nghị San Francisco để thành lập ra Liên hiệp quốc năm 194

Với tuyên bố chung của 47 vị đứng đầu chính phủ và một chương trình hành động thể hiện các cam kết chính trị của những người tham gia, thượng đỉnh lần này được xem là một bước quan trọng nhằm tăng cường nỗ lực quốc tế để đối phó với một tình thế tiến thoái lưỡng nan xuất hiện trong vấn đề an ninh hạt nhân.

Sau chiến tranh lạnh, một mặt “răn đe hạt nhân” tỏ ra hết thời, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ không còn thích hợp để đối phó với các thách thức truyền thống/phi truyền thống; mặt khác, khủng bố đánh bom tự sát, các đối tượng phi-nhà nước lại đang cố tìm kiếm và sẵn sàng sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Mỹ-Trung: Đã không tham đĩa bỏ mâm

Xuất phát từ chính trị thực tiễn, nước chủ nhà đã gạt sang một bên những vấn đề gai góc, có khả năng chia rẽ, để xây dựng sự đồng thuận mới giữa các quốc gia nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân, tăng cường giám sát và hợp tác tình báo, đảm bảo một khuôn khổ cho vấn đề an ninh hạt nhân.

Khác với các tin đồn, rằng Trung Quốc chỉ cử đoàn đại diện cấp thấp (không phải cấp nguyên thủ) đến dự hội nghị để bày tỏ sự thất vọng của mình sau vụ Mỹ bán 6,4 tỷ đôla vũ khí cho Đài Loan và cuộc gặp mới đây giữa Tổng thống Obama với Dalai Latma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng.

Đến hội nghị, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đồng ý việc trừng phạt Iran để ép buộc nước này từ bỏ ý đồ chế tạo vũ khí hạt nhân. Cách đây không lâu tại Munich, ngoại trưởng Trung Quốc đã từng bác bỏ khả năng này, nhưng nay Trung Quốc đã cử các quan chức tới New York tham gia quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết trừng phạt.

Mỹ không đơn độc thúc đẩy quá trình trừng phạt. Ông Obama còn họp riêng với một số nước khác. Giờ đây đã có thêm sự tham gia của Nga cũng như các thành viên khác của P5+1; tất cả đều tin rằng việc gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Iran là hết sức quan trọng. Jordan, Ukraine, Armenia và Malysia đều chấp nhận một số thỏa hiệp. Ukraine loan báo từ bỏ số lượng uranium dùng làm vũ khí nguyên tử.

Do ý thức được “mâm cỗ chung”, các nước đều đặt cái “đĩa quốc gia” sang một bên. Nhờ đó hội nghị đạt được một số kết quả. Tập trung vào ý nghĩa quan trọng của vấn đề an ninh hạt nhân đối với mọi quốc gia. Các nước đều cam kết cụ thể, thống nhất được chương trình hành động để tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Đứng đầu 47 quốc gia đều tán thành việc bảo vệ nhiên liệu hạt nhân trên toàn thế giới trong bốn năm tới để chặn đứng những phần tử khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ cũng đã thỏa thuận và đồng ý chia sẻ thông tin và chuyên môn trong việc phát hiện, điều tra và thực thi luật pháp.

Từ thiện chí đến ràng buộc pháp lý

Cộng đồng quốc tế chưa có một cơ chế thực thi pháp luật "một thế giới" trên toàn cầu. Vì thế, ông Obama thừa nhận, ngoài việc cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc gia thông qua các điều ước ký kết, thế giới chỉ còn biết dựa vào thiện chí của các bên can dự vào các nỗ lực chung. Đó là bản chất của mối quan hệ quốc tế hiện đại.

Trừng phạt không phải là chiếc đũa thần. Tổng thống Obama khá khiêm cung khi thừa nhận như vậy và ông cho rằng, những gì hy vọng lệnh trừng phạt đạt được đó là làm thay đổi tính toán của một nước như Iran để họ thấy rằng có nhiều rủi ro và không lợi gì khi theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Medvedev đồng ý cần phải theo dõi chương trình hạt nhân của Iran, nhưng ông nói sự trừng phạt phải thật khôn khéo mới có hiệu quả vì Iran có nhiều mánh khóe. Điều quan trọng theo ông, "đừng để trừng phạt đưa đến một tai biến về nhân đạo, vì như vậy nhân dân Iran sẽ thù ghét cả thế giới".

Để xóa đi cái cảm giác đạo đức giả của các nước lớn, ông Obama đã nhấn mạnh đến tư duy dựa trên 3 trụ cột: nước có vũ khí hạt nhân nỗ lực cắt giảm kho dự trữ; tất cả đều chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân, các nước chưa có thì cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân; và các nước khác có quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân dân sự.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, có người tin rằng, đấy là cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đồng minh lập tức bị chia rẽ sâu sắc, “xếp” các nước thành hai phe với bao hậu quả thảm khốc. Sau chiến tranh lạnh, nhân loại càng bất an hơn trong tìm kiếm an ninh/an toàn cho quốc gia và cho cả cộng đồng.

Giá như trong thông cáo chung, hội nghị đưa thêm lời kêu gọi các nước, nhất là các đại cường hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt lên trên tư duy chiến tranh lạnh! Không chỉ trong phạm vi an ninh hạt nhân, mà cả trong mọi ứng xử giữa quốc gia với nhau cũng phải tương thích với các chuẩn mực của thế giới văn minh!

Chừng nào chính sách “ngoại giao pháo hạm”, chính sách nước lớn hà hiếp nước nhỏ vẫn còn đất dụng võ thì “hiệu ứng cánh bướm” trong quan hệ quốc tế vẫn hiện hữu! Và khi vấn đề an ninh khu vực còn ách tắc thì các vấn đề toàn cầu khác, kể cả an ninh/an toàn hạt nhân vẫn còn là một quá trình diệu vợi!

  • TS Đinh Hoàng Thắng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,