- Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo ký công hàm trao đổi chiều nay (2/3) ở Hà Nội về việc Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam hơn 25 tỷ yên ODA vốn vay.
Dự án cầu Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: VNN |
Như vậy, tổng cam kết ODA vốn vay của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009 đạt 145,631 tỷ yên, cao nhất từ trước đến nay.
Khoản vay này nhằm triển khai 5 dự án. Đó là xây dựng nhà ga hành khách - cảng hàng không quốc tế Nội Bài, làm đường nối từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài, xây cầu Cần Thơ, khôi phục cầu quốc lộ 1 giai đoạn 3 (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Công hàm trao đổi ký kết quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng hơn 25 tỷ yên tín dụng ưu đãi nói trên. Trên cơ sở các điều kiện khung này, trong tháng 3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 5 hiệp định tín dụng cụ thể cho 5 dự án nói trên.
Vào tháng 10 năm ngoái, công hàm trao đổi liên quan đến các dự án vốn vay ODA cho Việt Nam lần 1 của năm tài khóa 2009 đã được ký kết, chính thức đánh dấu "sự trở lại" của các khoản vay ODA của Nhật dành cho Việt Nam, kể từ khi bị tạm thời dừng lại vào cuối năm 2008.
Nhật Bản chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992 và triển khai vốn vay ODA nhằm hỗ trợ cho chính sách Đổi mới của Việt Nam. Từ đó đến nay, tổng vốn ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi) cam kết của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 1.557 tỷ yên.
Công bố Sách trắng ODA hồi tháng 4/2009, Đại sứ Sakaba Mitsuo cho hay Việt Nam đã bắt đầu trả nợ vốn vay ODA cho Nhật Bản. Năm 2007, con số trả nợ của Việt Nam đạt gần 125 triệu USD trên tổng số 640 triệu USD.
Theo Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Motonori Tsuno, trung bình mỗi năm Việt Nam có thể phải dành 20-25 tỷ yên (4.000-5.000 tỷ đồng) trả nợ ODA cho Nhật.
Tuy nhiên, cả ông Đại sứ lẫn Trưởng đại diện JICA đều khẳng định Nhật Bản "không lo lắng về năng lực trả nợ của Việt Nam".
-
Xuân Linh