Lần đầu tiên trong hơn một thập niên, Trung Quốc đã giới hạn việc gia tăng ngân sách quốc phòng dưới hai con số. Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố chi tiêu quốc phòng năm 2010 tổng cộng gần 532 tỉ nhân dân tệ (78 tỉ USD), tăng 7,5%.
Năm 2009, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 14,9%.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc không cung cấp thông tin một cách xác thực. Ông Giả Dũng, một thành viên trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) gần đây khẳng định, cáo buộc này là vô căn cứ.
Nhật Bản luôn tỏ ra lo lắng về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Vào năm 2008, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết, nước này sẽ “không châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang với các quốc gia láng giềng hoặc tạo ra một nguy cơ quân sự nào”. Sau tuyên bố này, một số chuyên gia đã được hỏi về ảnh hưởng của ngân sách quốc phòng năm nay mà Trung Quốc công bố với Nhật Bản. Câu trả lời rất khác nhau.
Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễu binh quân sự lớn nhất trong một thập niên để thể hiện sức mạnh quân sự sau 20 năm nỗ lực cải tổ và phát triển. Ảnh: AP
Michael Green, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc ở Washington, DC nói: "Vấn đề là việc triển khai cũng như hoạt động của Trung Quốc chứ không phải ở con số chính thức. Con số thấp hơn cũng không làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đại lục”.
Hãy hình dung, tuyên bố mềm dịu hơn về ngân sách quốc phòng năm nay dường như khác trùng khớp với tâm điểm gần đây được nhắc tới nhiều tại Trung Quốc về cái gọi là “sức mạnh mềm” và “ảnh hưởng văn hóa” ở nước ngoài.
Theo “Báo cáo Hiện đại hóa Trung Quốc 2009: Nghiên cứu Văn hóa hiện đại hóa” của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), hiện tại, nước này đứng thứ bảy trong số 131 quốc gia về chỉ số ảnh hưởng văn hóa, sau Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Nếu kể từ năm 1990, Trung Quốc đã tăng được bốn bậc trong thứ hạng này trong khi từ hạng hai vươn lên thành thứ nhất về ảnh hưởng văn hóa ở châu Á, CAS cho biết.
"Việc gia tăng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc phản ánh rõ ràng xu thế gia tăng sức mạnh mềm của đất nước”, Hà Xuyên Kỳ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiện đại hóa Trung Quốc thuộc CAS nói.
Toshi Yoshihara, phó giáo sư khoa Chiến lược và Chính sách thuộc trường Hải chiến Mỹ, không tin là người Nhật cảm thấy thấy an lòng về việc gia tăng “khiêm tốn” ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay. Đó vẫn là mức "khiến Nhật ghen tị nếu so ở mức chuẩn của nước này”. Hãy làm phép so sánh, chi tiêu liên quan tới quốc phòng ở Nhật tiếp tục sụt giảm trong năm thứ bảy liên tiếp kể từ năm tài khóa 2002.
"Người Trung Quốc trở nên minh bạch hơn, nhưng vẫn có những dấu hỏi chưa được giải đáp. Ví dụ, ngân sách quốc phòng chính thức không bao gồm những khoản chi lớn từ nước ngoài liên quan tới quân sự”, Yoshihara nói. "Thật khó để xác định con số này có chính xác hay không. Quy trình ngân sách vẫn tương đối khó hiểu với thế giới bên ngoài”.
Mức tăng 7,5% của Trung Quốc “nếu thực sự giá trị, vẫn là lớn trong khu vực. Điều này giải thích vì sao một số nhà chiến lược Nhật Bản đã cảnh tỉnh về vấn đề thay đổi cân bằng quyền lực khu vực”, Yoshihara cho biết.
Yoshihara đưa ra hàng loạt bằng chứng về việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự như trình diễn nhiều tên lửa thế hệ mới trong buổi diễu binh mừng quốc khánh hồi tháng 10 năm ngoái, khát vọng sở hữu hàng không mẫu hạm, kế hoạch phát triển các căn cứ ở nước ngoài cũng như vị trí trong hoạt động chống cướp biển…
Eric Hagt, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Học viện An ninh Thế giới ở Washington, DC, mô tả, ngân sách quốc phòng Trung Quốc có lẽ là biểu trưng cho một dấu hiệu “giảm tốc”. "Tuy nhiên, nếu so sánh tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trong tổng thế ngân sách quốc gia, thì con số thực tế không thay đổi”, Hagt đánh giá. "Con số và ý nghĩa ngân sách năm nay rõ ràng ít hơn hẳn nếu thoạt đem mức tăng 7,5% ra so với mức tăng hai con số trong năm ngoái”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tới mọi nước, Trung Quốc không là ngoại lệ. Riêng lĩnh vực quốc phòng cũng như vậy.
Hagt nhấn mạnh, con số chi tiêu quân sự đại lục dường như khiến Nhật Bản cảm thấy thoải mái hơn. "Tokyo có vẻ hài lòng với bất cứ con số giảm sút nào trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Nhưng thực tế không thay đổi, nên có thể phải cần xem xét lại”.
Một trong những điều đó là nỗ lực tăng lương cho các sĩ quan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vài năm qua nay đã hầu như hoàn tất. Hơn thế nữa, trong hai năm nay, ngân quỹ PLA phải trang trải ở quá nhiều sự kiện đặc biệt. Ví dụ như cuộc diễu binh mừng quốc khánh, diễu binh kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân PLA, không quân PLA và chi phí cho việc đảm bảo an ninh cao độ trong suốt dịp Olympic mùa hè 2008 tại Bắc Kinh…
"Điều chúng ta quan ngại nhất - khả năng hiện đại hóa quân sự Trung Quốc - thì con số chung cho chúng ta biết quá ít. Tỉ lệ thay đổi số lượng con người, nghiên cứu và phát triển vũ khí sẽ cho nhiều thông tin hơn”, Hagt khẳng định.
Trong khi đó, Jing-dong Yuan, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hủy diệt Đông Á tại Trung tâm James Martin ở California lại nhất trí với quan điểm về Nhật Bản. Ông nhấn mạnh, phản ứng của ông Giả có thể mang lại ít nhiều giá trị.
"Nó phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa và tính toán chi tiêu quốc phòng thế nào. Ví dụ, Mỹ chi khoảng 50 tỉ USD mỗi năm chỉ để bảo dưỡng, duy trì vũ khí hạt nhân và những hoạt động liên quan, nhưng con số này lại chỉ chiếm phần rất nhỏ trong ngân sách quốc phòng”, Yuan nói. "Rõ ràng là tiền chi tiêu cho mục đích quân sự - vũ khí hạt nhân - nhưng lại không cần thiết liệt kê vào ngân sách quốc phòng chính thức”.
Ước đoán việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh từ dữ liệu quốc phòng luôn luôn là thách thức lớn. "Các nhà phân tích phương Tây tin rằng, chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn nhiều mức công bố, và năm 2009, bộ Quốc phòng Mỹ ước tính con số này vào khoảng 105-150 tỉ USD”, Yuan cho biết. "Điều quan trọng hơn là các khoản chi thêm cho PLA về mua sắm thiết bị, trang bị và phúc lợi cho quân nhân”.
“Nếu PLA tiếp tục phụ thuộc vào các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài - đặc biệt là Nga - thì ước tính lớn hơn ‘sẽ không đi quá xa”, Yuan nhấn mạnh. “Nhưng nếu PLA vượt xa phạm vị này, đó lại là vấn đề cần chú ý”.
Có thể có một số lý do cho việc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng, như suy thoái kinh tế và thực tế có thể có nhiều nhu cầu cạnh tranh khác từ các tỉnh và những lĩnh vực khác của chính phủ khiến Bắc Kinh phải hạn chế nguồn cung cấp cho quân sự. Tuy nhiên, Yuan nhất trí rằng, nó cũng có thể là “một nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đảm bảo với các nước láng giềng là chi tiêu quân sự Trung Quốc ở mức vừa phải và thận trọng".
Tướng Lạc Nguyên, cũng là một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự, gần đây giải thích, sự gia tăng ngân sách quốc phòng ở hai con số của nước ông những năm trước là cần thiết và đúng đắn. Nhưng theo ông, bắt đầu từ 2010, mọi thứ đã thay đổi. “Mức tăng 7,5% thể hiện rằng, sự phát triển quốc phòng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn bền vững, ổn định”.
Vậy chuyện ngân sách quốc phòng có ý nghĩa gì với quan hệ Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan? Lí Thành, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L Thornton tại Washington, DC gần đây khẳng định: “Mối quan hệ giữa các quốc gia giờ đây trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Khái niệm tất cả cùng trên một chiếc thuyền được đánh giá cao. Với những thay đổi về sự trông đợi cũng như yêu cầu, hai bên có thể hiểu lầm hoặc thậm chí va chạm một số chuyện, đây là điều bình thường giữa các nước lớn”.
-
Thái An (Theo Atimes)