221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1266239
Sửa cách nhìn về cán bộ
1
Article
null
Sửa cách nhìn về cán bộ
,

- Cải cách tuyển dụng cán bộ, tuy tốn kém hơn, nhưng chắc chắn có được người lãnh đạo tốt hơn hẳn. Người được chọn bổ nhiệm có thể tự hào nói: "Tôi là người phù hợp nhất cho vị trí này, vì tôi đã được lựa chọn trong số những người giỏi được chọn qua kỳ thi tuyển, sát hạch một cách khoa học và công khai".

Kỹ năng lãnh đạo

Ông Thân, một người làm công tác tổ chức cán bộ lâu năm ở một cơ quan hành chính, thường nói với mấy anh cán bộ trẻ thế nào là một cán bộ tốt: "Các cậu là chúa dài dòng, tầm chương trích cú, sách vở. Nói cho nhanh nhé, cán bộ chỉ cần 3 tiêu chuẩn lớn là hiệu quả công việc, phẩm chất kỹ năng lãnh đạo và ý thức chính trị thôi".

Mô tả ảnh.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức xét tuyển công khai cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể đợt 1 năm 2010. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ông Thân bảo, hiệu quả công việc thể hiện ở kết quả làm việc, cách thức tổ chức lãnh đạo thực hiện công việc và mức độ chi phí để thực hiện công việc.

Anh Dũng đã có thâm niên hơn chục năm làm công chức, kể: Cơ quan anh có một vị lãnh đạo rất tốt bụng, chỉ tội hơi đuối về tổ chức công việc. Ông điều hành công việc ít khi theo kế hoạch, cứ nhớ đâu làm đó, thích cái gì thì làm trước cái đó, lúc nói thế này, lúc lại chỉ đạo thế kia, khiến cho công to việc bé cứ rối tung lên như canh hẹ.

Anh em làm theo ý kiến chỉ đạo của ông thì "sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng", vì thế, lúc nào ông cũng tất tả, chạy lên chạy xuống. Trông thấy ông lúc nào cũng bận rộn, anh em thấy ái ngại, thật thương cho vị lãnh đạo "nhiệt tình mà ...".

Ông hay than phiền một cách tự hào có phần ngây thơ rằng: "Cứ vắng tớ một lúc là công việc rối tung lên, tớ mà không có ở đây thì các cậu làm ăn thế nào! Hỏng hết!". Anh Dũng bảo: Kiểu người lãnh đạo như thế này chắc các nước tiên tiến họ chẳng bổ nhiệm đâu, vì những người này cơ bản là không có tí kỹ năng lãnh đạo nào để tổ chức công việc. Khổ nỗi họ lại không biết điều đó.

Người lãnh đạo ít biết tổ chức công việc thường phạm sai lầm trong phân công công việc, trong điều hành, phối hợp các hoạt động và cũng là người ít chú ý đến tính toán chi phí như thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả. Nếu họ lại là người có tính thu vén cá nhân, chắc chắn họ sẽ đưa cơ quan đi theo hướng ngược với sự phát triển mong đợi của mọi người.

Tầm nhìn

Không ít người làm công tác quản lý lãnh đạo rất tốt trong điều hành tổ chức công việc, nhưng lại luôn thiên vị, bè phái, tư túi nên lại không có uy tín trong cơ quan.

Ông Thìn giữ chức "Phó" đã lâu trong cơ quan và ai cũng phải công nhận ông là người sắc sảo, "tính toán lo liệu mọi việc như thần". Bất cứ việc gì qua tay ông đều hanh thông, chạy rầm rầm và ông cũng là người hay có những đề xuất này nọ, hay nghĩ ra nhiều thứ việc, nhiều hoạt động ra "sản phẩm".

Nhưng khổ nỗi, ông lại là người ít có uy tín trong cơ quan, chưa đoàn kết, thống nhất được mọi người, vì bất cứ làm việc gì ông đều tính toán, cài cắm quyền lợi riêng tư của ông vào. Việc gì không có lợi ích riêng, ông quyết từ chối không làm hoặc chỉ làm cho xong chuyện.

Ông có tính thiên vị hạng nặng, ban phát khí nhiều quyền lợi cho anh nhân viên này, rồi ưu ái hơi quá cho cô nhân viên kia, hay ghét bỏ, vùi dập bác nhân viên nọ vì không nhất nhất tuân theo ông. Dưới quyền của ông, anh em chia thành phe phái rõ ràng và tinh thần đoàn kết trong cơ quan chỉ ở mức khiêm tốn.

Cán bộ lãnh đạo cần có tầm nhìn xa trông rộng, có óc sáng tạo để đưa cơ quan đi lên, ngày càng phát triển. Nếu họ ít có uy tín, không đoàn kết được mọi người thì cần xem xét lại năng lực lãnh đạo thực tế của họ. Người lãnh đạo không thể đặt quyền lợi cá nhân lên cao, không thể tính toán lợi ích cá nhân quá nhiều trong công việc, bởi như thế, vô hình trung, họ tự đẩy mình ra xa tập thể và làm mất đi hình ảnh đẹp của mình trước tập thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, người nào không biết lo cho bản thân mình, cho gia đình mình thì cũng khó có đủ năng lực lãnh đạo, lo cho cả thiên hạ được.

Thi tuyển công khai

Trong các cơ quan nhà nước hiện nay, ai cũng có thể cố gắng phấn đấu bằng cách này hay cách khác để làm lãnh đạo. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, không phải ai cũng có những phẩm chất, những đặc điểm tâm lý cá nhân phù hợp với vị trí lãnh đạo.

Cần tổ chức thi tuyển để lựa chọn được những người có năng lực phù hợp nhất vào các vị trí lãnh đạo. Người được bổ nhiệm là người giỏi nhất trong số những người giỏi dự tuyển vào vị trí cần tuyển.

Kinh nghiệm của một số nước tiên tiến cho thấy, cần có 3 giai đoạn quan trọng trong việc tổ chức tuyển, thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Thứ nhất, tuyển chọn qua hồ sơ, qua giới thiệu của các cấp, cần công khai rộng rãi vị trí cần tuyển để nhiều người có cơ hội tham gia.

Thứ hai, tuyển dụng vào các vị trí quan trọng cần tổ chức cho các ứng viên làm trắc nghiệm tâm lý, thảo luận các vấn đề quan tâm và trình bày một nội dung quan trọng nào đó đặt dưới sự quan sát, theo dõi, chấm điểm của hội đồng tuyển dụng gồm các nhà khoa học, các nhà tổ chức cán bộ và lãnh đạo nhiều kinh nghiệm về công tác nhân sự. Các ứng viên sẽ bộc lộ kỹ năng, phẩm chất và một số các đặc điểm tâm lý cá nhân phù hợp với vị trí cần tuyển.

Trong đời sống công vụ, nhiều người hay có những nhận xét rất vô trách nhiệm, kiểu: "Ơ cái tay ấy mà được bổ nhiệm làm lãnh đạo à. Ngày xưa học cùng với tôi, tay ấy học dốt lắm", hay "Thật hết người rồi hay sao mà tay ấy cũng được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhỉ".

Cải cách tuyển dụng cán bộ, tuy có tốn kém hơn, nhưng chắc chắn có được người lãnh đạo tốt hơn hẳn và người được lựa chọn bổ nhiệm có thể tự hào nói: "Cho đến lúc này tôi là người phù hợp nhất cho vị trí này, vì tôi đã được lựa chọn trong số những người giỏi được chọn qua kỳ thi tuyển, sát hạch một cách khoa học và công khai".

Thứ ba, các ứng viên cần qua các cuộc phỏng vấn để thể hiện khả năng lãnh đạo của mình và sự phù hợp với vị trí cần tuyển. Khả năng trình bày và trả lời phỏng vấn cho biết tương đối sâu năng lực lãnh đạo thực tế của ứng viên. Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy nên cái sự nói, viết của lãnh đạo là quan trọng và cần thiết, tránh việc làm lãnh đạo mà lại quá đuối về mặt này.

Cuối cùng, không thể không nói đến khâu thực hiện chính sách đối với cán bộ. Chọn được cán bộ tốt mà không chú ý đến xây dựng các chính sách để duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ thì chắc chắn chất lượng của đội ngũ này sẽ ngày càng đi xuống.

Có cán bộ giỏi, cần giao cho họ quyền, trách nhiệm và quyền lợi phù hợp. Họ cần phải có bản mô tả công việc tương đối cụ thể. Dù người nào có phẩm chất cá nhân vượt trội về tầm nhìn, sức sáng tạo, khả năng linh hoạt, đánh giá nắm bắt tình hình tốt đến đâu chăng nữa cũng sẽ khó có hiệu quả trong công việc nếu cứ phải luôn "chờ xin ý kiến chỉ đạo". Bởi đây chính là mảnh đất tốt tạo ra những cán bộ kém năng động, sáng tạo, giỏi trông chờ ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm, không tỏ ra lanh lợi, sắc xảo mà cố tỏ ra nhu mì, biết nghe lời, "ngoan ngoãn".

Một công chức cho hay: "Tôi hưởng lương nhà nước bậc 3 chuyên viên chính, hệ số 5,08, hàng tháng được trên 3 triệu, còn lương của ông đứng đầu tỉnh là chuyên viên cao cấp bậc 1, hệ số 6,20 cộng với hệ số chức vụ 1,25, vậy mỗi tháng ông ta có gần 5 triệu, những người chức vụ thấp và trẻ hơn thì lương còn thấp hơn, không hiểu họ chi tiêu như thế nào mà tươm tất thế".

Rồi ông kết luận: "Hèn nào, chả trách, trách nhiệm của họ cũng thế thôi! Có lẽ còn các bổng lộc khác không kê khai ra được chăng".

Trách nhiệm càng cao, lương càng phải cao với mức khác biệt lớn, tại sao không? Để mọi người hiểu rằng phải có năng lực lãnh đạo mới xứng đáng được hưởng điều đó, không phải ai cũng ngồi vào vị trí lãnh đạo được.

  • Ngô Thành Can

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,