- Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương đã bế mạc với những định hướng rõ ràng về tiêu chí các ủy viên Trung ương. Bàn về công tác lựa chọn bí thư và nhất là người giữ trọng trách Tổng Bí thư, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương tin tưởng chỉ cần đổi mới cách làm, sẽ chọn được người xứng đáng.
>> Bầu người có tư duy đổi mới,uy tín với dân vào TƯ
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
Chủ trương cấu tạo nhân sự cấp ủy, nhất là cơ cấu BCH TƯ từ khóa IV đến khóa X đều quán triệt yêu cầu trẻ hóa và kế thừa trong cơ cấu cấp ủy của niên khóa. Trung bình mỗi khóa, số lớn tuổi rút ra không tái cử là 1/3. Và đưa vào cấp ủy số mới tuổi trẻ hơn. Trong đó, đảng viên dự khuyết đa số tuổi còn trẻ dưới 50.
Có khóa đưa vào BCH TƯ số trực tiếp phụ trách quận huyện và cơ sở tuổi còn dưới 40. Số ủy viên TƯ tuổi trẻ đó đến khóa VIII và khóa tiếp theo đã có một số được BCH TƯ tín nhiệm vào Bộ Chính trị, giữ trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tránh "giật gấu vá vai"
7 nhiệm kỳ Đại hội Đảng chứng minh chủ trương trẻ hóa và kế thừa trong cấp ủy mỗi khóa là rất cần thiết, không phải do ý muốn chủ quan mà quy luật khách quan "tre già măng mọc". Cán bộ tuổi ngày càng già đi tất phải chuẩn bị cho lớp cán bộ trẻ hơn lên thay là điều không tránh khỏi. Trẻ hóa cán bộ đảm bảo sự kế thừa trong cấp ủy mỗi khóa cũng chính là nội dung công tác quy hoạch lãnh đạo cán bộ quản lý mà nhiều văn kiện của Đảng đã nêu ra.
Ông Nguyễn Đình Hương: Muốn chọn đúng người có cả đức lẫn tài, không có cách nào khác là thực hiện dân chủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Những Đại hội Đảng gần đây có bước đổi mới là bí thư, kể cả Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ. Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65. Ủy viên TƯ không quá tuổi 60. Số mới ứng cử bầu vào BCHTƯ ít nhất phải có độ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ.
Các khóa trước có một số đồng chí mới tham gia TƯ tuổi dưới 40. Có đồng chí tham gia 4, 5 khóa và chính độ tuổi như vậy đủ điều kiện thử thách để bố trí vào các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy việc chuẩn bị nhân sự của một cấp ủy, nhất là nhân sự Bộ Chính trị và các vị trí lãnh đạo quan trọng có liên quan đến sự điều hành của đất nước và phải có sự quy hoạch 3 khóa tiếp theo, không thì cũng phải 2 khóa. Có vậy mới tránh được bị động, lúng túng "giật gấu vá vai".
Bộ Chính trị khóa X nếu được tái cử thì số trẻ nhất cũng 62 tuổi, đến Đại hội khóa XII tuổi đời là 67 tuổi. Nếu không mạnh dạn đưa tiếp vào Bộ Chính trị số cán bộ tuổi còn trẻ dưới 60 thì đến Đại hội XII càng lúng túng và gặp không ít khó khăn cho công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt.
Các nhiệm kỳ trước đây đã có một vài đồng chí tham gia Bộ Chính trị tuổi đời mới 47 tuổi và qua 3 nhiệm kỳ Đại hội đều được tái cử vào Bộ Chính Trị. Vậy khóa XI chọn số trên dưới 55 tuổi tham gia Bộ Chính trị không phải không có.
Dân chủ, không áp đặt, không cố chấp
Muốn chọn đúng người có đủ tiêu chuẩn cả đức lẫn tài, không có cách nào khác là thực hiện dân chủ. Không áp đặt, không cố chấp và không cảm tình thiên vị, chúng ta tin sẽ có cán bộ kế tiếp cho Đại hội Đảng lần thứ XII.
Trong kháng chiến giành độc lập dân tộc đã bộc lộ rất nhiều nhân tài thì trong hòa bình xây dựng cũng sẽ nảy sinh nhiều nhân tài. Chỉ cần đổi mới quan niệm và cách làm thì khắc có nhân tài nảy nở. Cha ông ta đã có câu đất nước có lúc thịnh lúc suy, song nhân tài thì bao giờ cũng có.
Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, điều mà toàn Đảng, toàn dân quan tâm trông chờ là chọn người đứng đầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu một Đảng, một cấp ủy không phải chỉ là tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng điều hành mà còn phải là trung tâm cho sự đoàn kết trong Đảng, là tấm gương tiêu biểu cho sự trong sáng về đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống riêng tư, cho tình thương yêu đồng bào và đồng chí, tránh tình trạng "một người làm quan, cả họ được nhờ".
Kinh nghiệm thực tế của Đảng ta qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội đã chứng minh người đứng đầu một cấp ủy, nhất là người giữ trọng trách tổng bí thư của một đảng (đảng cầm quyền) phải là người tiêu biểu nhất cả về lương tâm và trí tuệ. Nếu thiếu đi một trong hai điều đó thì lòng tin bị giảm sút và cũng không tạo ra được bước đột phá để đưa đất nước phát triển.
Không phân biệt vùng miền
Qua 8 nhiệm kỳ Đại hội, cái khó nhất là chọn người giữ chức vụ đứng đầu (Tổng Bí thư). Có Đại hội phải bàn đi tính lại nhiều lần mới tạo ra sự thống nhất và cũng qua đó chúng ta rút ra được bài học chọn người đứng đầu cấp ủy, tránh được sai sót đáng tiếc.
Cái đáng quan tâm là trong quá trình cân nhắc chọn ai là người đứng đầu, phải thực hiện lấy ý kiến dân chủ rộng rãi, kể cả các đồng chí cán bộ lão thành và trí thức tiêu biểu; tiểu ban nhân sự đưa ra 2, 3 người để lấy ý kiến, không nên chọn 1 và lấy ý kiến 1.
Trường hợp cấp ủy còn ý kiến khác nhau thì tổ chức lấy ý kiến bằng bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu đại hội. Hết sức khách quan, vô tư, không gò ép, không thiên vị và định kiến, không phân biệt vùng miền hay tuổi tác. Ai đủ điều kiện tiêu biểu cho lương tâm và trí tuệ, được đảng viên và nhân dân tin yêu, mến phục thì người đó xứng đáng là cán bộ đứng đầu cấp ủy.
Hiện số đông đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm đến kết quả của đại hội Đảng các cấp, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc là vì không có mục đích gì khác ngoài ý muốn đẩy mạnh đất nước phát triển, với tinh thần đoàn kết tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Tôi tin đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ chọn được người đứng đầu xứng đáng với lòng trông đợi của toàn Đảng và toàn dân.
-
Nguyễn Đình Hương