50.000 cảnh sát và lính dã chiến đã được triển khai. Hơn 200 nút chặn được thiết lập quanh Bangkok để đối phó với biểu tình của những người áo đỏ.
Thách thức lớn trong những ngày tới đối với các nhà lãnh đạo phe áo đỏ (UDD) là làm sao có thể kiểm soát được làn sóng phẫn nộ của nhiều người dân đang tập hợp nhau lại đòi thay đổi chính quyền. Họ có thể truyền đi tiếp bức thông điệp hơn ba năm rưỡi qua, rằng đây thực sự là phong trào hòa bình của quần chúng cần lao muốn thay đổi xã hội chứ không phải chỉ là phương tiện cho các tham vọng chính trị của một số chính khách nào đấy.
Rừng cờ và biển người
Cả một rừng cờ đỏ trong biển người! Biểu ngữ đỏ, áo thun đỏ, tầng tầng lớp lớp “nêm cối chật ních” không gian Bangkok. Những người biểu tình, ít nhất là cho tới hôm qua vẫn đang tỏ ra ôn hòa, hát vang các bài ca… Chủ nhật 14/3 thực sự là một ngày Chủ nhật đỏ tại thủ đô Thái Lan. Hàng trăm ngàn người, từ nhiều tỉnh trong nước kéo về đây đòi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới.
Ảnh: AP |
Đây là lần tụ họp đông đảo nhất kể từ tháng tư năm ngoái. Những người áo đỏ tự gọi mình là “Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài” (UDD) đã chọn hình thức rầm rộ này để bảy tỏ thái độ “bất tín nhiệm” công khai đối với chính phủ của Thủ tướng Abhisit mà họ cho là đã tiếm quyền một cách bất hợp pháp, với sự hậu thuẫn của quân đội và các giới có thế lực tại Bangkok.
Người của phe ủng hộ ông Thaksin Shinawatra từ các tỉnh đông bắc đổ về Bangkok bằng đủ mọi phương tiện. Những người tham gia cuộc biểu tình lớn chống chính phủ tuyên bố sẽ tụ tập phản đối cho đến khi nào Thủ tướng đáp ứng tối hậu thư của họ, nếu không họ sẽ đi diễu hành khắp Bangkok, làm tê liệt các hoạt động chốn kinh đô.
Ngòi nổ cho cuộc biểu tình khổng lồ này vốn có nguồn gốc từ sự bất bình trong dư luận đối với tòa án về “Ngày phán quyết" (26/2). Đó là thời điểm tòa án tối cao Thái Lan ra quyết định cuối cùng về số phận tài sản trị giá 7,6 tỷ baht (2,2 tỷ USD) của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang bị thu giữ do liên quan đến tội danh tham nhũng.
“Những ngày nguy hiểm” cuối tháng hai chưa kịp qua đi thì nhóm ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tiến hành cuộc tổng diễn tập công khai tại “tổng hành dinh” dưới các địa phương và sau đó kéo nhau lên Bangkok.
Đấu tranh này là trận cuối cùng?
Theo nhà chức trách Thái Lan, khoảng 50.000 cảnh sát và lính dã chiến đã được triển khai. Hơn 200 nút chặn được thiết lập quanh thủ đô Bangkok để đối phó với cuộc biểu tình của những người áo đỏ trong mấy ngày tới. Chính phủ nói họ sẽ có thái độ cứng rắn nếu các cuộc tụ hội, bắt đầu từ thứ sáu tuần trước, trở nên bạo lực.
Phó Thủ tướng phụ trách về nội chính Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Nếu những người biểu tình bao vây trụ sở hay địa điểm nào đó, chúng tôi sẽ tiến hành các bước để giải tán đám đông”. Nội các Thái Lan cho biết chính phủ sẽ áp dụng Luật An ninh Nội địa, trao quyền cho giới quân sự trong việc ban hành thiết quân luật và hạn chế số người tham gia các cuộc tụ họp. Tuy nhiên, lãnh đạo của cuộc biểu tình lại cho rằng, chính phủ đang tìm cách thổi phồng đe dọa về bạo lực để tìm cớ đàn áp những người biểu tình.
Đã được ba năm rưỡi kể từ khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Nhưng tại tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan, việc vị cựu Thủ tướng bị gạt khỏi quyền lực đã không được người dân lãng quên. Họ cũng không bao giờ chấp nhận điều mà họ cho là “tính bất chính đáng” của chính quyền đương nhiệm.
Vùng nông thôn rộng lớn và nghèo khổ này là vùng cứ địa của ông Thaksin. Người dân ở đây đã từng bỏ phiếu cho ông, với lượng phiếu tạo ra thắng lợi long trời lở đất, không chỉ một mà đến những hai lần trong các cuộc bầu cử trước đây. Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong nước ngoài, nhằm tránh một án tù được kết về tội tham nhũng. Bất chấp sự vắng mặt của mình, ông vẫn được mọi người hâm mộ như một ngôi sao nhạc rock.
Phát ngôn viên chính phủ Panitan Wattanayagorn nói với BBC rằng, trong xã hội mà chúng ta thấy có một số lượng nhỏ những người tin rằng cần sử dụng bạo lực để đạt được một số mục đích nhât định, chúng ta cần phải ngăn chặn những người này. "Nếu chúng ta thành công trong việc kiềm chế, tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ diễn ra hòa bình".
Trước đó một ngày, Thủ tướng Thái Lan Abhisit tuyên bố ông sẽ không dùng bạo lực với lực lượng áo đỏ, nhưng cũng sẽ không chấp nhận việc phe áo đỏ chiếm giữ bất cứ tòa nhà chính phủ nào. “Chính phủ sẽ đảm bảo mọi người có thể sống trong hòa bình bằng việc duy trì pháp luật. Dù có quan điểm khác nhau nhưng mọi người phải chung sống được với nhau”.
Câu hỏi chưa có trả lời
Trong khi đó, những người biểu tình đưa ra tối hậu thư “nếu Abhisit không từ chức trong ngày thứ hai (hôm nay), chúng tôi sẽ đi diễu hành khắp cả Bangkok”. Veera Musikapong, người đứng đầu nhóm biểu tình cho biết như vậy. Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thawril Pliensri nói với Reuters: “Tình hình sẽ mong manh hơn trong vài ngày tới, lúc mà lực lượng biểu tình tăng cường các biện pháp trong khi người dân thì mệt mỏi và bực bội. Chúng tôi phải đảm bảo để không diễn ra thiệt hại gì hết”.
Tình hình chính trị Thái Lan nhiều năm qua tiếp tục diễn biến dích dắc và phức tạp. Vấn đề của đất nước này hiện nay không chỉ đơn thuần là số tài sản của ông Thaskin, mà còn do xã hội Thái Lan đang bị chia rẽ quá sâu sắc, giữa phe ủng hộ và lực lượng chống Thaskin.
Liệu đất nước của nụ cười này có tránh được sự chia rẽ làm tê liệt nội bộ giữa một bên là quân đội và các thế lực giàu có ở thành thị cùng tầng lớp quý tộc hoàng gia và bên kia là những người nghèo khổ ủng hộ Thaksin từ các vùng nông thôn xa xôi, nơi có chênh lệch về khoảng cách thu nhập rất lớn so với các thành phố? Chưa ai có thể trả lời một cách chính xác được câu hỏi này, ngay cả những người Thái.
Thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo phe áo đỏ trong những ngày tới là làm sao có thể kiểm soát được làn sóng phẫn nộ của nhiều người dân đang tập hợp nhau lại đòi thay đổi chính quyền. Các ủng hộ viên áo đỏ nói sẵn sàng chiến đấu cho công lý để chống lại những kẻ đặc quyền, đặc lợi đang nắm quyền lực.
Tuy nhiên, hiện nay và trong những ngày tới, họ sẽ phải đối mặt với một thử nghiệm. Liệu họ có thể cho thế giới thấy được điều họ tuyên bố, rằng đây là một phong trào hòa bình thực sự vì sự thay đổi xã hội chứ không phải chỉ là phương tiện cho tham vọng chính trị của một số chính khách nào đấy?
Một yếu tố khác gây thêm khó khăn cho các dự đoán về tương lai chính trường Thái Lan là tuổi tác và sức khỏe của Quốc vương Bhumibol Adulyadej (82 tuổi). Nhà vua phải nằm viện từ cuối năm ngoái vì chứng viêm phổi. Mặc dầu không có quyền lực chính trị, nhưng sức mạnh tinh thần của Quốc vương đã giúp đất nước đoàn kết trong những giai đoạn khủng hoảng trước đây.
Thế còn lần này, người có thể thừa kế ngai vàng là Thái tử Maha Vajiralongkorn có hội đủ sức mạnh và được sự quy phục của các thần dân đang sục sôi từ dưới đáy xã hội hay không, đó vẫn còn là một ẩn số lớn.
-
Hồng Mai (tổng hợp từ Reuters, BBC, AP và các báo Thái Lan)