- Gặp gỡ đầu Xuân sáng 23/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý báo chí phải lắng nghe, chắt lọc ý kiến người dân đóng góp cho Đảng. Đồng thời, cần thông tin sắc bén, nhanh nhạy hơn nữa về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.
Thủ tướng gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí đầu xuân 2010. Ảnh: XĐ |
Có được không khí ấy là nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân cùng vượt qua những khó khăn của suy giảm kinh tế trong năm 2009.
"Tuy vẫn còn nhiều thách thức, mặt này mặt khác chưa hài lòng nhưng chúng ta đã đạt được các mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội. Không những giữ được tốc độ cũ mà còn phát triển hơn. Số hộ nghèo trong hai năm 2008, 2009 liên tục giảm", Thủ tướng nói.
Đặc biệt, dịp tết năm nay, hai thành viên Chính phủ là một Phó Thủ tướng và một vị Bộ trưởng đã ra ăn Tết với các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa.
Thủ tướng cho hay, "Ngay các các đảo xa nhất đến nay cũng đã có đầy đủ điện nước, tivi xem suốt ngày, điện thoại gọi lúc nào cũng được, đài phát thanh nghe lúc nào cũng có. Đường xá đi lại giữa đất liền và đảo đã dễ dàng hơn nhiều".
Nhiều thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại năm qua đã đem lại kết quả tích cực như tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý, đạt được tất cả những thành tựu trên là nhờ sự đoàn kết nhất trí, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, mà báo chí là tiếng nói quan trọng.
"Đừng bỏ sót ý kiến người dân"
2010 là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp. Thủ tướng lưu ý, báo chí năm nay không chỉ tham gia tích cực tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà còn đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng.
Trong vài ngày tới đây, Hội nghị Trung ương sẽ họp để bàn bạc về các văn kiện, dự thảo báo cáo chính trị, bổ sung cương lĩnh chuẩn bị cho ĐH Đảng lần thứ XI.
Sau đó, các văn kiện này sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và Đại hội Đảng các cấp.
"Báo chí là diễn đàn của nhân dân. Rất mong báo chí hãy chắt lọc, lắng nghe và phản ánh những ý kiến sáng láng, xác đáng, những ý kiến phù hợp của nhân dân đóng góp cho Đảng. Đừng bỏ sót bất kỳ ý kiến hay, bất kỳ ý kiến xây dựng nào của người dân", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, mỗi tờ báo, mỗi người làm báo cần nhận rõ trọng trách của mình trước đất nước, nhân dân.
Trong năm 2010, cần tuyên truyền tốt, sắc bén, nhanh nhạy hơn nữa trên các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.
Các thông tin đối ngoại, các chủ trương đường lối của Đảng, về công tác cải cách hành chính phòng chống tham nhũng xây dựng Đảng, xây dựng thể chế cũng phải được thông tin kịp thời đến người dân.
"Chúng ta đã có những bước đi bài bản để có được những chứng cứ chính xác nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ nhưng thời gian tới cần phải làm mạnh mẽ hơn". |
Một mặt, báo chí vừa cung cấp thông tin đa dạng nhiều chiều nhưng cũng vừa phải định hướng dư luận theo hướng đúng đắn để tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội.
"Rất mong báo chí đấu tranh một cách có hiệu quả, phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực với đất nước, với Đảng hoặc những thông tin sai trái về chủ quyền lãnh thổ", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong thời gian qua, chúng ta đã có những bước đi bài bản để có được những chứng cứ chính xác nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ nhưng thời gian tới cần phải làm mạnh mẽ hơn.
"Ngoài ra, báo chí phải phản ánh các cuộc đấu tranh với quan liêu tiêu cực, tệ nạn xã hội để bộ máy ngày càng tốt hơn, gắn bó với nhân dân hơn, được nhân dân ngày càng tin cậy", Thủ tướng nhắn nhủ.
"Hỗ trợ để báo chí phát triển"
Quan tâm tới sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ báo chí thời gian qua, Thủ tướng cũng lưu ý tới việc phải hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng.
"Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển hiện nay, phải tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, hành lang pháp lý cho báo chí phát triển. Đội ngũ làm báo phải ngày càng chuyên nghiệp, giỏi nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, vững vàng bản lĩnh chính trị để phục vụ lợi ích đất nước và nhân dân", Thủ tướng nói.
Trước mắt, Bộ Thông tin truyền thông, Hội Nhà báo cần xem xét, rà soát lại các quy định, luật lệ hiện hành để sửa đổi theo hướng tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
"Chúng ta không thể thoả mãn dừng lại", Thủ tướng nhấn mạnh.
-
Lê Nhung