- “Xe ôm” có thể trở thành một loại hình giao thông công cộng, giảm giá vé cho xe gửi ngoài vành đai đô thị, phát triển hệ thống xe chở khách vào thành phố... Từ Mỹ, độc giả Trần Ngọc Thịnh - Trường quản lý hành chính công Harry. S Truman, ĐH Tổng hợp Missouri, Columbia chia sẻ với Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng những giải pháp cho bài toán giao thông trầm kha.
Dễ "đổ bể" nếu tùy tiện
Chính sách giao thông bột phát dựa trên ý tưởng của riêng nhà quản lý sẽ rất dễ bị đổ bể bởi tính không khả thi và đôi khi “trên mây”. |
Việc xây dựng chính sách giao thông cần phải gắn liền với nghiên cứu và dựa trên kết quả nghiên cứu chứ không thể tùy tiện theo ý chí chủ quan của nhà quản lý.
Những chính sách giao thông bột phát dựa trên ý tưởng của riêng nhà quản lý sẽ rất dễ bị đổ bể bởi tính không khả thi và đôi khi “trên mây”.
Ví dụ đơn giản như những đề xuất như giải pháp “biển chẵn, biển lẻ”, “xe ngoại tỉnh không được vào thành phố” hay “cấm đăng ký xe mới”. Đây không thể được coi là giải pháp tổng thể, mà đơn thuần chỉ mang tính tình thế, manh mún và chắp vá.
Việt Nam đang trên đà phát triển, mức sống của người dân nâng cao, nhu cầu sở hữu phương tiện giao thông ngày càng tăng. Đó là một nhu cầu tất yếu và là quyền của công dân. Không thể cấm người dân được quyền sở hữu phương tiện giao thông vì lý do hạn chế tắc đường.
Thực tế, ngành giao thông đang phải đối mặt với một vấn đề gần như là bất khả thi, đơn giản bởi vì quy hoạch giao thông không dự báo được tốc độ gia tăng phương tiện, để ngay từ khi quy hoạch, những tuyến đường không được thiết kế rộng rãi cho nên chỉ trong một vài năm, con đường lại trở nên quá bé nhỏ. Nếu công tác quy hoạch không có tầm nhìn xa, cuối cùng mọi con đường mới rồi cũng nhanh chóng trở thành con đường cũ.
Thế cờ khó khăn
Với một hệ thống giao thông đã có từ lâu, ngành giao thông vận tải dường như gặp phải một thế cờ định trước khó khăn. Khác với các quốc gia phát triển, ở Việt Nam, người dân đua nhau xây nhà ven mặt đường. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà cửa và các công trình dân sinh ven đường quốc lộ dễ làm gia tăng tai nạn vì cản trở tầm nhìn và gây nhiễu loạn giao thông.
Chúng ta cần có một chính sách liên quan tới phát triển mới giao thông, trong đó quy định vành đai phát triển giao thông ven theo những con đường mới, nghiêm cấm xây dựng nhà và các công trình dân sinh trong vành đai này.
Đồng thời, Nhà nước cần có biện pháp mạnh tay đối với những cá nhân, hộ gia đình ngăn cản quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng, mở rộng giao thông. Tuy nhiên, chính sách cần phải đầy đủ, hợp lý trong xây dựng mức phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chống lại việc giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển giao thông là do sự chênh lệch giữa mức giá thị trường và giá đền bù do Nhà nước quy định. Điều này một lần nữa chỉ ra sự thiếu đồng bộ về chính sách trong phát triển giao thông, từ đó tạo ra những “nút thắt” dường như không thể tháo gỡ.
Những tuyến đường không được thiết kế rộng rãi cho nên chỉ trong một vài năm, con đường lại trở nên quá bé nhỏ. |
Với sự phát triển ồ ạt của phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, giải pháp cấm đăng ký mới, không cho lưu thông không thể khả thi bởi nó xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân. Chính sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay là tăng thuế nhập khẩu xe nhằm kiềm chế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Không thể mãi là giải pháp tình thế
Vậy chính sách nào khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng? Xin nêu ra một số gợi ý như sau: ở các thành phố lớn, chính quyền cho xây dựng ở vành đai đô thị một loạt những khu để xe công cộng, tất cả các phương tiện cá nhân, xe chở khách vào thành phố được khuyến khích gửi xe ở các bãi xe đó và từ đó sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi lại trong thành phố. Người dân gửi xe ở những bãi xe ngoài vành đai sẽ sử dụng vé gửi xe để được giảm giá khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chúng ta cũng cần phải phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng. Không chỉ có xe bus, mà còn có tầu điện ngầm, tầu điện trên cao. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng giao thông từ xưa để lại, cộng với chi phí tốn kém trong xây dựng, giải pháp tàu điện ngầm, tàu điện trên cao dường như chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Đề xuất của tôi là chúng ta đưa “xe ôm” trở thành một loại hình giao thông công cộng phổ biến. Lý do bởi vì, hiện tại người dân không muốn sử dụng xe bus vì tính thiếu cơ động và khả năng bao phủ còn hạn chế. Taxi thì tương đối đắt đỏ so với mức thu nhập bình quân của người dân.
Vấn đề cần phải tính toán ở đây là làm sao để xây dựng được mức phí phù hợp khuyến khích người dân sử dụng loại hình phương tiện giao thông công cộng mới này. Từ đó phát triển một hệ thống “xe ôm” chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong nội thị...
Muốn giải quyết vấn đề cốt lõi trong phát triển giao thông đô thị, chúng ta phải xây dựng một giải pháp đồng bộ, khả thi và hợp lý nhằm giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh. Bên cạnh những biện pháp tình thế nhằm đối phó trước mắt với những khó khăn đang hiển hiện từng ngày, nếu không xây dựng một chính sách phát triển giao thông đồng bộ với tầm nhìn xa và tính khả thi cao, thì câu trả lời cho câu hỏi “đến khi nào thì hết tắc đường” sẽ mãi không có lời giải đáp.
-
Trần Ngọc Thịnh