- Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa kết thúc chiều nay (1/12), Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý ngoại tệ tốt hơn, nếu cần thiết sẽ phải can thiệp tỷ giá.
Đóng cửa ngay sàn vàng không có giấy phép
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mới nổi lên trong tháng 11 là vấn đề về sức ép của tỷ giá trên thị trường ngoại hối, giá vàng tăng cao, công tác quản lý thị trường chứng khoán… "Những vấn đề này không được quản lý tốt sẽ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại hối.
“Không thể để sức ép tỷ giá lên thị trường ngoại hối, không để giá vàng hoành hành như những ngày gần đây”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Chính phủ. Ảnh: TTXVN |
Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành kiểm tra, xử lý đóng cửa ngay một số sàn giao dịch vàng không có giấy phép kinh doanh; đảm bảo nguyên tắc kinh doanh vàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện, đúng pháp luật.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ chức năng kiểm tra việc có tình trạng đầu cơ chứng khoán hay không để xem xét, xử lý và báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan cần quản lý ngoại tệ tốt hơn, "nếu cần thiết sẽ phải can thiệp tỷ giá".
Tại cuộc họp báo được tổ chức chiều nay ngay sau phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã quyết định dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn theo thời hạn đã quy định (31/12/2009).
Việc dừng gói hỗ trợ lãi suất dựa trên những đánh giá về diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, tiền tệ, tín dụng gần đây.
"Nếu tiếp tục hỗ trợ 2%, mà lãi suất cơ bản vẫn phải tăng, thì sẽ không có tác dụng đối với nền kinh tế", ông Phúc cho hay.
Trước đó, đã có nhiều tranh luận trái chiều về việc nên dừng lại hay kéo dài gói hỗ trợ này. Quốc hội đã đề xuất dừng, nhưng trong phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ dự kiến sẽ kéo dài hết quý I/2010.
Riêng các quyết định hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn và với khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp… vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2010.
Thủ tướng giao Thường trực Chính phủ và các bộ liên quan tổng hợp, xem xét việc điều chỉnh, bổ sung về mức hỗ trợ, đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để sớm công bố trong tháng 12.
"Phát triển theo hướng tích cực"
Tại phiên họp, Chính phủ đã phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm.
Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, xu thế phục hồi của ngành công nghiệp và thị trường trong nước là minh chứng rõ nét cho thấy tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2009 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ. Ảnh: chinhphu.vn
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn so với tháng trước, ước tăng 13% so với tháng 11/2008. Tình chung 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 11 đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay của ngành dịch vụ. Ngay cả khi đã loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ của 11 tháng đã tăng 18,5% so với cùng kỳ 2008.
Ngoài ra, xu hướng phục hồi kinh tế cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ đã tác động tích cực đến niềm tin của các nhà đầu tư, nhờ đó số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng lên. 11 tháng qua, có khoảng 76,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng trên 28% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là xuất khẩu vẫn giảm. Tháng 11 chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước. Tính chung, 11 tháng xuất khẩu chỉ đạt 51,31 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ.
Trong tháng qua, thị trường chứng khoán cũng không duy trì được đà phục hồi mạnh của các tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,55% so với tháng 10.
Chính phủ nhận định, thời gian tới, đà phục hồi kinh tế thế giới được dự báo sẽ mạnh hơn so với năm 2009 nhờ tác động của các nhân tố như các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng, hệ thống tài chính phục hồi nhanh hơn dự đoán, các đầu tầu kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản…) đều có sự phát triển khả quan hơn.
-
Lê Nhung