- Đánh giá kết quả phiên chất vấn diễn ra tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vẫn đang còn một số ĐBQH nêu chất vấn quá gay gắt, "không đến mức phải như thế".
Đại biểu Quốc hội chất vấn nhau
Ông Hiển nói thêm, phiên chất vấn nhìn chung tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số ĐBQH nêu thông tin chưa chính xác về một địa phương khiến đoàn ĐBQH của địa phương đó đã tỏ thái độ phản ứng lại.
Ý kiến của ông Hiển được nêu trong phiên họp sáng nay (15/12) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá kết quả kỳ họp thứ sáu vừa qua.
Sự việc ông Hiển nêu liên quan đến trường hợp Phó đoàn ĐBQH Thanh Hoá Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Cuông đã chất vấn về trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau câu trả lời của Thủ tướng, đoàn ĐBQH Hà Giang không ai có ý kiến gì.
Tuy nhiên, gần một tuần sau đó, đoàn ĐBQH Hà Giang đã có công văn đề nghị ông Cuông phải giải thích rõ thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lấy từ đâu.
Công văn nêu rõ, nếu không đủ căn cứ, đề nghị ĐBQH Lê Văn Cuông phải có trách nhiệm với ý kiến đã phát biểu của mình.
Ông Cuông đã ngay lập tức gửi công văn phúc đáp, nêu rõ nguồn tin.
Tại phiên họp sáng nay, sau ý kiến "phê bình" của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình đã tiếp lời: "Tôi đã gặp và trao đổi với ĐB Cuông về vụ việc này. Vì thông thường, ĐB Cuông là người luôn tìm tòi nghiên cứu rất kỹ các tài liệu, kiểm chứng các thông tin".
Về việc ông Hiển "phê bình" các ĐBQH khi chất vấn "lẽ ra không phải gay gắt đến thế", vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng giải thích luôn: "Cái này do khẩu khí đại biểu như vậy chứ cũng không có vấn đề gì ở đây".
Theo đánh giá chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ sáu vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng cử tri.
Sẽ xem xét Luật biển năm 2010
Ủy ban Thường vụ QH cũng nhất trí với các nội dung sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5/2010.
Theo đó, sẽ có 12 dự án luật và nghị quyết được thông qua, đó là Luật Thuế nhà đất, Luật Ngân hàng Nhà nước VN sửa đổi...
Hai dự án luật đã nhiều lần rút ra, rút vào là Luật Biển và Luật Tiếp cận thông tin cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chỉ lưu ý thêm: "Về Luật Biển đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, nhưng riêng Luật Tiếp cận thông tin, Chính phủ nên cân nhắc khả năng hoàn thành đến đâu".
Ngoài ra, Chính phủ cũng dự kiến xin sửa đổi Nghị quyết 66 về các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời bổ sung Luật Đầu tư công vào chương trình.
Ông Thuận cũng đề nghị cân nhắc thêm một dự án luật khác đó là Luật sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các DNNN.
Trước ý kiến của một số ĐBQH đề nghị tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, tổ chức hội nghị giữa hai kỳ họp rất mất thời gian, tiền của. Trước đây, Quốc hội đã từng tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách nhưng do không hiệu quả nên đã dừng. "Có ý kiến cho rằng chi phí tổ chức hội nghị thà để đầu tư cho chuyên gia có khi hiệu quả hơn", ông Vượng nói. |
-
Lê Nhung