- Trước hàng loạt chất vấn của đại biểu HĐND TP sáng nay (10/12) về chuyện xử lý mỡ bẩn, bì lợn thối... thế nào, có học theo Trung Quốc đã tử hình 3 người trong vụ sữa nhiễm độc không, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình phân trần: "Trung Quốc có một số trẻ chết do uống sữa nên xử tử hình được. Còn các vi phạm ở ta, chưa ai chết nên khó xử lý hình sự".
Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn bổ sung: "Còn phải xem mỡ dùng để chế biến thực phẩm thì mới truy cứu hình sự được, chứ nhỡ đâu dùng vào việc khác?".
Tuy nhiên, vị Phó Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố cũng sốt ruột: "Cũng phải quy trách nhiệm thế nào cho rõ. Việc mỡ vừa rồi thì xã phải biết chứ?".
"Dân đang tích lũy chất độc vào cơ thể"
Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển và lưu thông mỡ bẩn, bì thối. Trong đó, một lượng lớn mỡ bẩn đã được đưa đến các quán ăn, hàng cơm bình dân.
Điều này làm dấy lên nỗi lo âu của các đại biểu HĐND, bên cạnh những nỗi lo khác về rau sạch, dư lượng hóa chất, hoa quả không rõ nguồn gốc...
Lần thứ hai liên tiếp trả lời chất vấn trước HĐND về thực phẩm, lại được Giám đốc Sở Y tế hỗ trợ, nhưng Phó Chủ tịch Đào Văn Bình vẫn tiếp tục trả lời rất chung chung, thậm chí nhiều lần nhắc lại những nội dung đã trả lời bằng văn bản.
Câu trả lời "khó xử lý hình sự" là để giải đáp băn khoăn của ĐB Nguyễn Việt Hưng và Phạm Thị Thành.
Theo bà Thành, trừ một số người được ăn thực phẩm sạch, đại đa số dân chúng đều quen mua bán ở chợ.
"Trung Quốc đã xử lý 3 người tử hình vì sữa nhiễm độc. Mà trẻ em bên đó cũng chết từ từ chứ có chết ngay đâu. Còn chúng ta đã quá coi thường. Tất cả từ trên xuống", bà Thành nói.
"Khui" ra chuyện mỡ bẩn, bì thối là do lực lượng cảnh sát môi trường, nhưng để các cơ sở này tồn tại lâu đến như vậy, cán bộ thôn xã không thể không biết. "Nhưng tại sao biết mà không nói ra? Ta nên nhìn thẳng vào sự thật và cấp cứu cho nhân dân", bà Thành kiến nghị.
Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn: Bao giờ Hà Nội mới xong quy hoạch vùng rau an toàn, trong khi TP.HCM đã làm rồi? Ảnh: PH |
ĐB Nguyễn Việt Hưng ví von "dân đang tiếp tục đưa chất tự tử vào người, tích lũy chất độc vào cơ thể".
Ông Bình khẳng định: "Tuy phía công an nói là phải gây hậu quả thì mới xử lý hình sự được, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo kiên quyết xử lý".
Xử lý thế nào khi vẫn còn "vướng" như vậy thì ông Bình không nói.
Để lòng thối, ban quản lý chợ chịu trách nhiệm
Bị "truy" trách nhiệm, ông Bình giải thích, việc quản lý đã được phân cấp. Thôn, xã đều có cán bộ thú y, chợ búa có ban quản lý.
"Để lòng thối thì ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm. Mỡ bẩn, xã chịu trách nhiệm", ông Bình khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình: Xã phải chịu trách nhiệm về mỡ bẩn. Ảnh: Thanh Hải |
Nhưng Phó Chủ tịch "quên" trả lời câu hỏi của bà Thành là tại sao các vụ việc trên được phát hiện nhờ cảnh sát môi trường chứ không phải từ thôn xã.
Trước đó, chính ông Bình đã thừa nhận mặc dù giao cho ban quản lý chợ trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng hóa nhưng hầu như chỉ có các chợ loại 1 làm tốt, còn lại hầu như quên.
Hà Nội hiện chỉ có 20 chợ loại 1 trên tổng số 362 chợ. Ở các chợ loại 2, 3, thú y đều dán tem đảm bảo lên thịt bò, thịt lợn. Còn mặt hàng rau quả mới chỉ giám sát được ở những nơi đã đăng ký rau an toàn. Rau các nơi đưa vào chợ, rau trôi nổi đều chưa kiểm soát được.
Lần này, Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn đứng lên nhưng không phải để bổ sung thêm câu trả lời mà để chất vấn: "Bao giờ ta mới xong quy hoạch vùng rau an toàn và lò giết mổ tập trung, trong khi TP.HCM đã làm rồi?".
Theo ông Đào Văn Bình, đề án quy hoạch Thủ đô đang dở dang nên cũng chưa thể xong quy hoạch vùng rau an toàn.
"Ngành nông nghiệp định quy hoạch một số khu vực tại Đông Anh làm rau an toàn nhưng ngành khác cũng nói đất đó chúng tôi định làm việc A, việc B. Về quy hoạch giết mổ tập trung, đã có 8 dự án xin đầu tư, ở Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên...".
Không muốn được chứng nhận VSATTP vì sợ lộ bí mật
Theo Phó Chủ tịch, việc Thủ đô mở rộng không chỉ làm chậm tiến độ quy hoạch vùng rau mà còn ảnh hưởng đến thành tích cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Toàn TP mới có 52% cơ sở kinh doanh được cấp giấy, chủ yếu do quận, thành phố cấp.
Trong khi Hà Nội cũ cấp được 78% thì Hà Tây cũ đạt tỷ lệ rất thấp, nên đã kéo tỷ lệ chung đi xuống. Nguyên nhân, theo ông Bình, đều là do chưa đạt yêu cầu, hoặc thậm chí nếu đạt, doanh nghiệp, hộ gia đình cũng không mặn mà với việc làm hồ sơ xin giấy phép vì sợ lộ bí mật sản xuất.
"Các quận nội thành Hà Nội cũ có nề nếp nên làm tốt", ông Bình nói.
Lãnh đạo Hà Nội cho hay, cán bộ chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm còn mỏng. Chi cục quản lý thực phẩm TP chỉ có 20 người, sắp tới tăng gấp đôi. Tiếng là "3 nhà" (nông nghiệp, công thương, y tế) cùng quản nhưng thanh tra chuyên ngành chỉ có 4 người. Thành phố sẽ lập chi cục kiểm định chất lượng rau quả.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh nói, mong TP công khai những địa chỉ kinh doanh thực phẩm đã được kiểm định, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm... để dân biết mà lựa chọn.
-
Lê Nhung