- Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 1/12, lãnh đao các bộ ngành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương... đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc chấm dứt hỗ trợ lãi suất, sàn vàng, giá lúa gạo.
"Chưa phát hiện đầu cơ ở ngân hàng thương mại"
Cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư lên tiếng phản đối hành vi đột ngột cắt giao dịch báo giá của sàn Vàng Thế Giới. Ảnh: Đặng Vỹ
Vừa qua, có nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc các ngân hàng thương mại đã đầu cơ, làm giá vàng biến động bất thường. Nhân việc Chính phủ điều tiết cơ chế kinh doanh vàng, mua bán vàng thì trong đó có điều tiết như thế nào hoạt động kinh doanh vàng ở các ngân hàng thương mại?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)Nguyễn Đồng Tiến: Việc biến động giá vàng vừa qua là do nhiều yếu tố, có cả yếu tố về giá cả và đầu cơ.
Nhiều tổ chức và cá nhân, các hiệu vàng có hiện tượng đầu cơ mang tính rủi ro. Nhưng chúng tôi chưa phát hiện ra hiện tượng đầu cơ mang tính rủi ro ở các ngân hàng thương mại.
Theo quy định của Nhà nước, các ngân hàng thương mại được phép huy động và cho vay bằng vàng như là một công cụ tài chính. Nhưng NHNN cũng có những quy định về độ an toàn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bổ sung): Kinh doanh vàng là kinh doanh có điều kiện. NHNN có trách nhiệm đề xuất các giải pháp để điều hành, chống hiện tượng đầu cơ nâng giá, ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước.
NHNN đang soạn thảo quy định về sàn giao dịch vàng. Xin hỏi, việc này đã làm đến đâu? Những nội dung chính trong quy định này là gì, liệu có đề cập đến tỷ lệ ký quỹ hay không?
Ông Nguyễn Đồng Tiến: Sàn vàng cũng có nhiều yếu tố rủi ro. Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN lập tổ công tác đánh giá thận trọng về vấn đề này.
Tổ công tác đã làm việc tích cực và đã báo cáo Thủ tướng một số vấn đề.
Tỷ lệ ký quỹ cũng sẽ là một trong các nội dung của quy định. Nhưng chúng tôi chưa thể thông báo ngay được.
Kỷ lục xuất khẩu gạo
Số gạo dự trữ hiện nay còn bao nhiêu tấn và việc doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo liệu có ảnh hưởng gì đến giá gạo trong nước không? Liệu có tái xuất hiện tình trạng sốt gạo như năm 2008 hay không?
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên: Tổng lượng gạo xuất khẩu tính đến hết tháng 11 là 5,7 triệu tấn. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong tháng 12 dự kiến xuất khẩu khoảng 400 ngàn tấn.
Lượng gạo tồn kho trong hệ thống các doanh nghiệp nhà nước và hiệp hội tính đến nay là 1,4 triệu tấn.
Nếu thực hiện hết các hợp đồng trong tháng 12 thì lượng gạo tồn chuyển sang năm 2010 sẽ là 1 triệu tấn. Đây là một lượng lớn so với các năm. Ví dụ năm 2008, lượng gạo tồn chuyển sang cũng chỉ có 800 ngàn tấn.
Ngoài ra, còn lượng gạo của vụ Thu - Đông, sau khi xuất khẩu, còn có thể cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 500 - 700 ngàn tấn. Như vậy ta vẫn còn xấp xỉ 1,5 triệu tấn gạo gối đầu sang cho năm 2010.
Chúng ta đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch sớm vụ Đông - Xuân.
Hợp đồng thương mại của các DN đăng ký trong quý I/2010, tính đến lúc này vào khoảng 1,6 triệu tấn. Số lượng này còn thay đổi.
Với lượng hợp đồng ký như vậy và với lượng gạo tồn kho, lượng gạo thu hoạch vụ Đông - Xuân, lượng gạo còn có thể huy động thêm thì hoàn toàn đảm bảo tiến độ giao hàng và không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu trong nước cũng như an ninh lương thực quốc gia. Chúng tôi đã báo cáo trong cuộc giao ban lúa gạo vừa qua.
Không có chuyện áp dụng biện pháp hành chính can thiệp vào xuất khẩu lúa gạo.
Mỗi người dân đều phải góp phần chống lạm phát
Ủy ban Kinh tế QH và một số cơ quan kiến nghị nên chấm dứt gói hỗ trợ lãi suất 4% đúng thời hạn. Vào cuối tháng 10, Chính phủ lại quyết định sẽ kéo dài đến hết quý I/2010 nhưng đến bây giờ lại quyết định sẽ không kéo dài thêm. Vậy phải chăng ở đây đang có sự lúng túng trong điều hành?
Ông Nguyễn Đồng Tiến: Quan điểm của NHNN giống với Ủy ban Kinh tế Quốc hội là đề nghị dừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng thời điểm 31/12/2009.
Cách đây một tháng, Chính phủ cũng đã cân nhắc xung quanh các yếu tố kích thích kinh tế nên đã quyết định kéo dài sang hết quý I/2009.
Nhưng trong mấy ngày gần đây khi thực hiện một số động tác điều hành, đặc biệt là chính sách về tỷ giá thì Chính phủ đã quyết định phải dừng lại đúng hạn.
Tôi cho việc dừng lại này phù hợp với yêu cầu của thi trường, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Phúc (bổ sung): Chúng ta tiếp tục đà tăng trưởng nhưng ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy Chính phủ đã quyết định dừng chủ trương hỗ trợ ngắn hạn. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức tín dụng như IMF, vì lo ngại về tái lạm phát. Quyết định này là phù hợp khi hoàn cảnh đã thay đổi.
Quyết định sẽ kéo dài rồi bây giờ lại dừng, liệu Chính phủ đã tính đến hết tác động của chính sách này đối với doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Trong khi tăng lãi suất mà vẫn chỉ hỗ trợ cho vay 2% thì không có ý nghĩa thực tế. Mỗi người dân đều góp phần vào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh: Dự kiến năm nay, vốn cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ tăng khoảng 10-15% so với năm trước. Nguồn vốn cam kết cho Việt Nam trong năm nay là trên 6 tỷ USD, giải ngân có khả năng vượt dự kiến, đạt 3,5 tỷ USD. |
-
Lê Nhung ghi