Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh nói: Bên cạnh viẹc là tiếng nói phổ biến, tuyên truyền, tính chất diễn đàn dân chủ xã hội của báo chí cần được khẳng định rõ hơn.
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khóa 8 nhằm thảo luận, đóng góp xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo lần 4 Báo cáo Chính trị tại Đại hội IX của Hội nhiệm kỳ 2010-2015, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2010.
Báo cáo mang tựa đề: "Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Dự thảo Báo cáo lần 4 đã đánh giá khái quát tình hình báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong 5 năm qua (2005-2010). Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, quảng cáo giảm sút, nhiều tờ báo số phát hành giảm, một số tờ báo phải thu hẹp khổ, bớt kỳ; thu nhập của hội viên nhà báo cũng bị ảnh hưởng.
BCH Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các văn bản pháp quy, điều chỉnh cơ chế, tạo điều kiện để khắc phục tình trạng "3 không: không trụ sở, không con người, không kinh phí" ở nhiều địa phương.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: "Bên cạnh việc là tiếng nói phổ biến, tuyên truyền, báo chí còn là tiếng nói của đông đảo người dân, phản hồi việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tế và kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Tính chất diễn đàn dân chủ xã hội của báo chí cần được khẳng định rõ hơn".
Tiếp sau hội nghị, dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ được trình, thảo luận và tiếp thu ý kiến tại đại hội Hội Nhà báo các cấp trong cả nước vào cuối 2009 và đầu 2010.
Cùng với đó, những điểm chưa hợp lý, bất cập trong điều lệ Hội cũng được xem xét để bổ sung, sửa đổi và thông qua tại Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam năm 2010.
Hiện Việt Nam có trên 710 cơ quan báo chí với 17.000 người làm báo chuyên nghiệp.
Theo TTXVN