- Văn phòng Quốc hội chiều 7/12 đã tổ chức họp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua.
Đánh giá vai trò của báo chí, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định: "Các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần đưa đời sống chính trị đến gần với nhân dân hơn, khiến cho đời sống chính trị thêm năng động".
Các phóng viên phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, báo chí đã thúc đẩy Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Việc công khai, minh bạch hóa các hoạt động của Quốc hội thông qua báo chí đã giúp cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động Quốc hội, buộc đại biểu phải "năng động" hơn.
TS Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá: "Sự giao lưu thông tin qua báo chí giúp cử tri hiểu, đánh giá đúng hơn về Quốc hội và đại biểu, tạo điều kiện cho việc đồng thuận và thực thi các quyết sách của Quốc hội... Những đại biểu được cử tri đánh giá cao qua nhiều lần xuất hiện trên báo chí cũng dễ dàng được tín nhiệm bầu lại trong lần bầu cử mới".
Đáng chú ý, một lực lượng phóng viên viết bài và đưa tin nghị trường sinh động và chuyên nghiệp đang hình thành. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá "việc tác nghiệp ở Quốc hội chủ yếu mới dừng lại ở việc phản ánh, đưa tin sự kiện là chính, ít đi sâu bình luận các vấn đề thuộc nội dung chính sách của dự án luật, các chuyên đề giám sát và vấn đề quan trọng của đất nước".
Mặt khác, chính điều kiện tác nghiệp khó khăn ở nghị trường cũng khiến cho báo chí ít có cơ hội tiếp xúc với đại biểu Quốc hội cũng như các thành viên Chính phủ.
2010 là năm Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng AIPA, cũng là năm chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Vì vậy, một trong những mục tiêu mà Văn phòng Quốc hội đặt ra là tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí theo một quy trình rõ ràng. Mặt khác, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin để phục vụ độc giả.
-
L. Nhung