- "Không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf để xây dựng nhà, biệt thự nhằm mục đích bán, chuyển nhượng". Đây là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra trong quy hoạch sân golf đến năm 2020.
Dự án sân golf của Công ty Hoa - Việt có mức chuyển đổi sang kinh doanh bất động sản đứng "đầu bảng" hiện nay với diện tích lên tới 70,5ha. Ảnh: VNN
Thủ tướng vừa giao Bộ KH&ĐT xem xét, hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu, các dự án sân golf không được lấy vào đất lúa, đất màu nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; khu đô thị; đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).
Thời hạn thực hiện đầu tư một dự án sân golf không quá 4 năm kể từ khi được cấp phép.
Tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất là sân golf tuyết đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ.
Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuyệt đối không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.
Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf để xây dựng nhà, biệt thự nhằm mục đích bán, chuyển nhượng.
Tỷ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10% và mật độ xây dựng gộp của sân golf tối đa không quá 5% diện tích của dự án sân golf.
Nguồn vốn đầu tư sân golf không được lấy từ ngân sách nhà nước.
Việc sử dụng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước để hỗ trợ xây dựng sân golf công cộng chỉ được xem xét trong trường hợp Nhà nước có nhu cầu xây dựng sân golf công cộng và cho từng dự án cụ thể.
UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung Quyết định này, các quy định của pháp luật có liên quan và căn cứ thẩm quyền, quy định hiện hành quyết định và chịu trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf và thu hồi giấy phép.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định các đự án sân golf không nằm trong quy hoạch này, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Bộ KH&ĐT xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân golf. Đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch.
Bộ Xây dựng ban hành các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng sân golf; tiêu chuẩn kỹ thuật sân golf; quy hoạch đô thị, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật liên quan đến quy hoạch sân golf; thực hiện giám sát Luật Xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên các vùng có các dự án quy hoạch sân golf liên quan.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, công bố nội dung tiêu chí đánh giá tác động môi trường sân golf; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai, thẩm tra đánh giá tác động môi trường và tham gia thẩm định nhu cầu sử dụng đất, sử dụng nước của các dự án sân golf.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ năm vừa qua, chủ đề sân golf đã liên tục làm nóng các phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNN, TN&MT, KH&ĐT.
Như phản ánh của VietNamNet, hai vấn đề đặt ra hiện nay là xây sân golf trên đất lúa và kinh doanh sân golf trá hình.
Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định, đã tiến hành rà soát loại bỏ các dự án sân golf sai mục đích và sẽ nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ ban hành quy hoạch về sân golf.
Ngay trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, đông đảo cử tri và ĐBQH quan tâm muốn biết Thủ tướng cùng các bộ trưởng đã thực hiện lời hứa quy hoạch sân golf đến đâu.
-
Lê Nhung