221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1245742
Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về giá vàng
1
Article
null
Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về giá vàng
,

- Dự kiến, Quốc hội sẽ chất vấn Thống đốc NHNN về nguyên nhân, công tác quản lí nhà nước trước việc giá vàng "nhảy múa" những ngày gần đây.

>> Giá vàng vẫn lao như tên bắn: 29 triệu đồng/lượng

Trao đổi với báo giới sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho hay dự kiến, Quốc hội sẽ chất vấn các bộ trưởng: Thông tin - Truyền thông, Công Thương, Nội vụ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng sẽ là người đăng đàn trong cả buổi sáng cuối cùng của phiên chất vấn tuần sau. Tính đến hôm nay, 246 câu hỏi đã được gửi đến các thành viên Chính phủ.

Nguyên nhân giá vàng "nhảy múa"

Trước việc giá vàng không ngừng leo thang mà báo chí hay gọi là giá vàng "nhảy múa" trên thị trường tiền tệ, đại biểu chắc sẽ hỏi Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nguyên nhân của hiện tượng này, cũng như công tác quản lí nhà nước trong vấn đề lưu thông tiền tệ gắn với phát triển sản xuất, quản lí ngoại hối...

Mô tả ảnh.
 Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn: Dự kiến sẽ chất vấn Bộ trưởng TT-TT về quản lý báo chí, làm sao để vừa đảm bảo tự do cho báo chí, vừa đảm bảo kỷ cương... Ảnh: VA

Đại biểu cũng quan tâm nhiều đến hiệu quả gói kích cầu thứ nhất, ví dụ bù lãi suất trong ngân hàng.

Chính phủ hướng dẫn ưu tiên cho sản xuất và kinh doanh, nhưng về địa phương biết đâu sản xuất không được ưu tiên nhiều mà lại rơi vào "anh" kinh doanh, ví dụ những người buôn bán xe máy được bù, còn nông dân muốn đi vay phải có bìa đỏ, thế chấp nhà cửa, có khi lại không được vay.

Dự kiến, Bộ trưởng Nội vụ sẽ trả lời về chính sách với công chức, nhất là công chức xã. Vì bây giờ giá cả lên như vậy thì dù lương có tăng, rõ ràng công chức vẫn gặp khó khăn.

Với Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, đại biểu sẽ hỏi về quản lý báo chí, làm sao để đảm bảo vừa dân chủ, công khai, đảm bảo tự do cho báo chí, vừa đảm bảo kỷ cương hoạt động của Nhà nước.

Bộ trưởng Công Thương dự kiến sẽ trả lời về quản lý hoạt động sản xuất hàng xuất nhập khẩu. Vừa rồi, xuất khẩu chưa đạt kế hoạch, quản lý như thế nào để tạo cho các cơ sở sản xuất phát triển, đồng thời hàng của ta phải ra được thế giới.

Bộ trưởng Công Thương cũng sẽ được chất vấn về hệ thống thủy điện hiện nay, bởi vừa rồi có những hồ đập rất nhỏ nhưng xả lũ làm trôi cả đoạn đường tàu, rồi hồ đập ra đời thì phải phá rừng, rồi mở đường vào làm hồ đập.

Đại biểu cũng sẽ hỏi quy hoạch, kế hoạch tổ chức triển khai các dự án về thủy điện. Đại biểu ủng hộ thủy điện Lai Châu nhưng rất quan tâm đến vấn đề an toàn. Một hồ nước 3 đến 4 trăm triệu mét khối nước trên độ cao 40 - 50 mét, chưa nói đến vỡ mà anh chỉ cần xả lũ không đúng thời điểm có khi làm ngập cả vùng đồng bằng.

Thưa ông, 4 bộ trưởng được lựa chọn dựa trên lượng câu hỏi gửi cho họ nhiều nhất, hay do họ quản lý lĩnh vực nóng nhất thời điểm này?

Cũng không hẳn bộ trưởng có nhiều câu hỏi mà lựa chọn đâu. Có những vấn đề như đất đai hiện nay vẫn nóng bỏng, rồi môi trường, nhưng bộ trưởng mới trả lời kỳ họp trước nên những gì sửa được thì đã có giải trình rồi.

Hiện nay, đoàn thư ký đã gửi cho các đại biểu Quốc hội việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng ở kỳ họp trước. Có những việc chưa sửa được thì phải để cho bộ đó làm việc với địa phương, với Chính phủ để tiếp tục sửa đã.

Chính vì thế, đoàn thư ký tham mưu cho Ủy ban Thường vụ, nên chọn những vấn đề nóng hổi như hệ thống thủy điện, dù số lượng câu hỏi gửi đến ít.

Thủ tướng sẵn sàng tranh luận

Như vậy Thủ tướng và mỗi bộ trưởng sẽ có nửa ngày đăng đàn. Sẽ có đủ thời gian để chất vấn đến cùng không, thưa ông?

Thủ tướng sẽ giải đáp một số vấn đề mà các bộ trưởng trước đó chưa làm rõ. 

Thủ tướng sẽ dành thời gian thỏa đáng để trả lời chất vấn, đối thoại và tranh luận với các đại biểu Quốc hội.

Dĩ nhiên có bộ trưởng nhiều nội dung thì có thể kéo dài thời gian, còn bộ trưởng khác có thể cắt ngắn đi. 

Tất cả các bộ trưởng dù không phải là đại biểu cũng sẽ có mặt và người điều hành phiên chất vấn có thể mời luôn bộ trưởng có liên quan lên phát biểu.

Cử tri cũng kiến nghị rằng Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch Quốc hội khi điều hành phiên chất vấn phải tăng tính phản biện?

Thường vụ Quốc hội cũng đã đặt vấn đề yêu cầu người điều hành phải làm thế nào để tăng không khí tranh luận giữa đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ. Tôi cho rằng điều này rất cần thiết.

Khi trả lời chất vấn, một bộ trưởng có thể nói chưa rõ, chưa hết hoặc chưa trực tiếp vào vấn đề, thậm chí có người đổ lỗi cho người khác hoặc không thấy được trách nhiệm của mình thì Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch cần gợi ý để bộ trưởng đó nói rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Chất vấn có thể đi đến tận cùng vấn đề không, thưa ông?

Ta phải nói công bằng là nếu nói bộ trưởng loanh quanh, né tránh thì có thể chưa đúng vì bộ trưởng cũng là một cán bộ, không thể tài giỏi được hết các lĩnh vực, nếu đại biểu hỏi cụ thể thì có khi bộ trưởng chưa nắm được hết. Họ sẽ trả lời như thế nào đó để tiếp thu vấn đề rồi sau đó tìm hiểu nguyên nhân để sửa.

Còn việc truy cho đến cùng thì có cái khó là thời gian chỉ một buổi, mà nhiều đại biểu muốn hỏi.

Cá nhân ông có dự định chất vấn bộ trưởng nào không?

Tôi ngồi nghe và nếu có vấn đề, tôi cũng sẽ chất vấn.

  • Vân Anh 

 

 

 

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,