221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1246270
Điện hạt nhân: Đại biểu muốn một, bộ trưởng nói hai
1
Article
null
Điện hạt nhân: Đại biểu muốn một, bộ trưởng nói hai
,

 - Điều hành phiên thảo luận chiều nay (13/11) về dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ tọa phải mời các ĐBQH giải lao sớm để "hạ nhiệt". Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng dành hơn 10 phút giải trình thêm nhiều vấn đề.

"Tôi không bấm nút cho dự án"

Mô tả ảnh.
Địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Tuổi Trẻ
Là người duy nhất khẳng định "đến giờ phút này không dám bấm nút thông qua dự án", Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nêu ra ba lý do. Những lý do này, sau đó, đã nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu. 

Lý do đầu tiên, theo ông Thuyết, Việt Nam chưa đủ điều kiện và chưa sẵn sàng để xây nhà máy điện hạt nhân. Nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài.

Mặt khác, để nhà máy hoạt động, đầu tiên phải tốn 900 triệu USD mua thanh nhiên liệu. Và cứ sau 18 tháng lại tốn thêm 320 triệu USD mua thanh nhiên liệu mới hoặc thay thế thanh cũ. Chưa kể, uranium không phải vô tận.

Trong khi đó, 75% vốn xây dựng nhà máy là đi vay.

Lý do thứ hai, việc xây nhà máy lúc này là một sự mạo hiểm về kinh tế.

Dự kiến, nếu lựa chọn công nghệ thế hệ hai thì kinh phí xây hai nhà máy 12 tỷ USD. Nhưng nếu công nghệ thế hệ ba được lựa chọn (như đề xuất của đa số ĐBQH) thì số tiền lên tới 16 tỷ USD.

"Xem lại các công trình trọng điểm quốc gia, có công trình nào không "đội" tiền và thời gian? Nếu ta cứ yên tâm với 12 tỷ USD thì về sau sẽ bất ngờ với giá đội lên. 12 tỷ USD là một nửa ngân sách...", ông Thuyết nói.

Chi mạnh tay như vậy nhưng đến năm 2025, nhà máy điện hạt nhân cũng chỉ cung cấp 4,4% giá trị trong tổng tiêu thụ điện năng.

Như dự kiến của Chính phủ, đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

"Có đáng làm một việc mạo hiểm cho nền kinh tế?", ông Thuyết nói.

Ông Thuyết và các ĐBQH khác cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục thiếu hụt năng lượng: tiết kiệm điện, phát triển điện mặt trời, gió và nhập khẩu.

"Chỉ nên xây một nhà máy"

Quan điểm chung của đa số ĐBQH là trước mắt chỉ nên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, với công suất khoảng 2.000 MW, vừa phù hợp điều kiện kinh tế, đảm bảo được an toàn, lại có thời gian chuẩn bị nhân lực thay vì ráo riết xây một lúc hai nhà máy. 

Mô tả ảnh.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng: Sẽ mời đại diện bà con Ninh Thuận đi tham quan các cơ sở điện hạt nhân hiện đại trên thế giới để "mắt thấy tai nghe". Ảnh: TTXVN

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo lo lắng, nhân lực cho lĩnh vực này coi như đang là số không. Ngay Cục an toàn bức xạ mới có 70 người, trong đó vỏn vẹn 20 người làm công việc liên quan đến điện hạt nhân.

Đề án dự kiến sẽ đào tạo 800 người nhưng theo tính toán của chuyên gia, để vận hành một lò cần tới 1.000 người. Hai nhà máy với bốn lò sẽ "ngốn" ít nhất 4.000 người. Điều này phải được tính toán kỹ.

ĐB Lâm Đồng Lê Văn Học "hiến kế", Chính phủ nên thu hút đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân người Việt sinh sống ở nước ngoài để bổ sung phần thiếu hụt.

Chính phủ dự kiến giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ cho trường ĐH Điện lực, nhưng theo ông Học, một trường ĐH với tuổi đời hai năm, chưa có chuyên ngành vật lý hạt nhân sẽ không thể "đọ" với các trường có bề dày khác như ĐH Bách khoa hoặc ĐH Khoa học tự nhiên.

Vấn đề hiệu quả kinh tế cũng được các ĐB đưa ra cân nhắc. Vì cần xây một nhà máy cũng đã "ngốn" ngót 6 tỷ USD (nếu dùng công nghệ thế hệ thứ hai), nhiều gấp ba so với thủy điện Lai Châu.

"Xây hai nhà máy vì thiếu điện nghiêm trọng"

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định việc xây hai nhà máy xuất phát từ bài toán cân bằng năng lượng đã được tính kỹ: "Đến 2020, thiếu điện rất nghiêm trọng nên rất cần xây hai nhà máy".

Giải thích về việc dự án thiếu thông tin, ông Hoàng nói, đây mới là báo cáo tiền khả thi, nếu Quốc hội đồng ý chủ trương thì Chính phủ sẽ lập chi tiết hơn. Tuy nhiên, ĐB Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương đề xuất, phải làm rõ được việc Quốc hội tham gia đến đâu, trong những khâu nào đối với dự án này.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Hoàng nhất trí sẽ chọn công nghệ ba, hoặc ba cộng, trên nguyên tắc chọn công nghệ nào cũng phải là tiên tiến và hiện đại nhất.

Việc chọn Ninh Thuận đặt vị trí hai nhà máy cũng vì Ninh Thuận đáp ứng được 34 tiêu chí mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đề ra, sau khi đã khảo sát 8 nơi khác.

Bộ trưởng Công Thương nói, Chính phủ cũng đã triển khai các chương trình nghiên cứu phương án tiết kiệm năng lượng và dùng năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Theo tính toán, nếu Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm đi vào thực tế, có thể tiết kiệm đến 20% năng lượng.

"Nhưng dùng năng lượng mới, công nghệ tiên tiến nghĩa là hạn chế bớt lao động, bài toán này không đơn giản", ông Hoàng cho hay.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Thuyết về khả năng nhập khẩu năng lượng, Bộ trưởng khẳng định, giá nhập khẩu đang ngày càng đắt và cũng có giới hạn, không thể bù đắp được.

Về bài toán nhiên liệu, ông Vũ Huy Hoàng cho hay, từ nay đến 2025 chủ yếu là nhập khẩu và chỉ liên kết với nhà cung cấp nào có cam kết đảm bảo cung cấp năng lượng lâu dài. Về trữ lượng uranium trong nước, Chính phủ sẽ cân nhắc thăm dò ở tỉnh Quảng Nam.

Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định, các thanh nhiên liệu sẽ được ngâm trong các bể ngầm với thời gian 30 năm.

Trước đề xuất của Trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận về phương án di dân tái định cư, Bộ trưởng cam kết, "mọi người sẽ có đời sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần".

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang cho rằng, dự kiến trích 40 triệu USD cho di dân tái định cư  2.600 dân, nghĩa là chỉ chiếm 0,3% trong tổng đầu tư, con số này chưa thấm vào đâu.

Ông Vũ Huy Hoàng đưa ra cam kết, sắp tới sẽ mời đại diện bà con Ninh Thuận đi tham quan các cơ sở điện hạt nhân hiện đại trên thế giới để "mắt thấy tai nghe"...

Nhiều vấn đề khác về xử lý chất thải, nước biển dâng... đã được ông Hoàng giải đáp.

Nhưng Bộ trưởng "quên" chưa trả lời đề xuất của ĐB Nguyễn Hồng Minh, Phạm Quốc Anh về việc các tổ chức khoa học muốn được tham gia soạn thảo chi tiết dự án cũng như phản biện dự án để đảm bảo tính chặt chẽ và công khai.

Theo chương trình, dự án nhà máy điện hạt nhân sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,