- Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật thuế nhà, đất chiều nay (12/11), nhiều đại biểu QH cho rằng Luật vẫn chưa hạn chế được đầu cơ, thời điểm Luật có hiệu lực không có tính khả thi.
Luật chưa hạn chế được đầu cơ
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc ban hành luật là tạo công cụ quản lý vĩ mô, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: Cao Nhật |
Nhưng theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), mức thuế suất được quy định trong dự thảo luật chưa đủ mạnh để góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
“So với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất thì mức thuế khởi điểm 0,03% không "nhằm nhò" gì với các nhà đầu cơ, số thuế thu được có khi không đủ bù đắp chi phí cho bộ máy thu thuế”, bà Loan bày tỏ.
Chia sẽ với quan điểm đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay, chúng ta đã để giá đất vượt quá xa giá trị thực: "Chúng ta có thể chưa đánh thuế nhà nhưng cần thiết phải đánh thuế đất để tránh tình trạng đầu cơ đất và đánh vào những người có nhiều nhà".
“Chống được đầu cơ thì mới kéo được giá nhà, đất xuống. Có như vậy thì người nghèo, người thu nhập thấp mới có cơ hội có nhà ở ổn định, mới có đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo ông Lịch, dự thảo đưa ra đề án đánh thuế theo định mức diện tích đất là không hợp lý, bởi cùng diện tích đất nhưng ở các vị trí khác nhau sẽ có giá trị rất khác nhau. Việc đánh thuế nhà căn cứ trên số lượng nhà mà không tính đến giá trị nhà cũng cần phải được xem lại. Trước mắt, nếu thấy chưa cần thiết thu thuế nhà ở thì chỉ đánh thuế vào đất, trên cơ sở giá trị đất. Còn nếu thu thuế nhà ở, chỉ nên thu thuế đối với các đối tượng có từ 2 nhà trở lên.
Đại biểu Dao Nhiễu Linh, Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng cho rằng, Hiến pháp quy định quyền cơ bản của con người là có nhà ở. Vì thế, "không nên đánh thuế nhà ở đối với người có một căn nhà". Đại biểu Vũ Quý Tỵ (Bình Dương) cùng có ý kiến chưa nên đặt vấn đề thu thuế nhà ở, vì hoạt động này rất phức tạp, khó thực hiện một cách công bằng trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Giá nhà được xác định như thế nào?
Theo dự thảo luật, nhà có giá trị trên 500 triệu đồng sẽ bị đánh thuế, nhưng băn khoăn của nhiều người, trong đó có đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) là việc định giá nhà, đất hiện nay rất khó.
“Luật cần quy định rõ đối tượng nào được quyền định giá, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng cơ quan thuế tùy tiện trong thực hiện”, ông Thuyền giải thích.
Cùng lo lắng này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: "Nếu dự thảo Luật không xác định rõ được điều này thì khi đi vào thực hiện trong thực tế sẽ rất dễ tái diễn cơ chế xin - cho mà bấy lâu chúng ta đang muốn từ bỏ".
Một quy định khác là diện tích nhà, đất tính thuế bao gồm phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận, trường hợp chưa có giấy chứng nhận thì căn cứ vào diện tích thực tế đang sử dụng.
Nhưng nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng quy định diện tích chịu thuế căn cứ vào diện tích ghi trên giấy chứng nhận là chưa chặt chẽ vì không phải trong mọi trường hợp, diện tích ghi trong giấy quyền sử dụng đất cũng bằng diện tích thực tế.
Cho rằng tình trạng cơi nới, lấn chiếm nhà, đất vẫn đang xảy ra và phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận, theo đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội): “Nhiều trường hợp diện tích đất lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận”.
Do đó, “sẽ là không công bằng nếu quy định người có giấy chứng nhận rồi thì nộp thuế theo diện tích ghi trên giấy, còn người chưa có giấy thì phải nộp theo diện tích thực tế đang sử dụng”, bà Thái nhấn mạnh thêm.
Liên quan đến hiệu lực thi hành từ 1/1/2011, phần lớn ý kiến của các đại cho rằng nên xem xét lùi thời hạn thi hành luật vào thời điểm thích hợp hơn, có thể là từ 1/1/2012.
Lý do được đưa ra là hiện nay hệ thống dữ liệu về quản lý nhà, đất vẫn còn nhiều bất cập, các nội dung liên quan đến định giá nhà, đất còn chưa cụ thể.
- Cao Nhật