221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1245076
ĐBQH muốn được thông tin về dự án điện hạt nhân
1
Article
null
ĐBQH muốn được thông tin về dự án điện hạt nhân
,

 - Ủng hộ chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhưng các ĐBQH trong phiên thảo luận tổ sáng nay (7/11) lo ngại về độ an toàn, lựa chọn công nghệ cũng như khả năng tài chính.

Công nghệ thế hệ thứ hai hay thứ ba?

Mô tả ảnh.

Phó TGĐ EVN Dương Quang Thành: Suất đầu tư của điện hạt nhân so với nhiệt điện  cao gấp đôi nhưng chi phí giá thành thấp, giá nhiên liệu thấp hơn so với than nhập khẩu. Chắc chắn hiệu quả cao hơn, đỡ ô nhiễm môi trường hơn so với nhà máy nhiệt điện. Ảnh: LN

Câu chuyện về vụ nổ Chernobyn được nhiều ĐBQH viện dẫn như bài học về việc nếu tính toán chưa cẩn trọng, chưa đưa ra các phương án ứng phó với sự cố bất thường thì nhà máy điện hạt nhân có thể gây mất an toàn cho người dân.

Hầu hết ĐBQH đều tán thành với kiến nghị của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đó là nên chọn công nghệ thế hệ thứ ba.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH ông Đào Trọng Thi lưu ý, nên có sự so sánh với các nước có nhà máy điện hạt nhân nhưng phải đi nhập khẩu công nghệ để xem công nghệ nào được dùng phổ biến và an toàn nhất, để từ đó lựa chọn.

Chia sẻ ý kiến với các ĐBQH khác, ông Thi nhấn mạnh, an toàn phải là tiêu chí quan trọng.

"Các thế hệ công nghệ đều gắn với mức độ an toàn. Những sự cố đã xảy ra, đặc biệt là Chernobyn, đều liên quan đến người vận hành. Do đó, thế hệ công nghệ sau đi theo lựa chọn an toàn hạt nhân chứ không phụ thuộc vào người vận hành", ông Thi phân tích.

Được tổ Quảng Nam - Thái Nguyên - Thanh Hóa mời đến cung cấp thêm thông tin, Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư) Dương Quang Thành cho hay: "Nếu từ bây giờ đến khi xây nhà máy điện mà thế hệ lò thứ ba được kiểm chứng thì chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ này".

"Chọn lựa của chúng tôi phải là lò tiên tiến và được kiểm chứng", ông Thành khẳng định.

Với hình thức chìa khóa trao tay, Việt Nam sẽ được chuyển giao công nghệ gốc. Theo ông Thành, hiện có 4 quốc gia tiên tiến đang làm chủ công nghệ để chúng ta lựa chọn, đó là Mỹ, Nga, Pháp, Nhật.

Về nhiên liệu, ông Thành cho hay, có thể chọn giữa hai phương án: Nhà thầu sẽ đồng thời vừa cung cấp thiết bị vừa cung cấp nhiên liệu hoặc nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu.

Đại diện EVN cam kết, đã có Luật Năng lượng nguyên tử để điều chỉnh và xử lý khi xảy ra sự cố.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề xuất, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bất cứ quốc gia nào, ngoài tính toán vốn đầu tư cũng phải tính đến yếu tố văn hóa công nghiệp hạt nhân.

"Thứ văn hóa không chỉ dành cho những người liên quan vận hành nhà máy điện đó mà cả văn hóa của người dân. Nó được coi là hậu công nghiệp. Nếu không tính tới điều này thì hậu quả khôn lường", ông Thuận nói.

"Thế hệ vàng vật lý hạt nhân đang hết"

Không chỉ phân vân về lựa chọn công nghệ, khả năng làm chủ công nghệ, độ an toàn, các ĐBQH còn thiết tha đề xuất phải có ngay chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng cao về điện hạt nhân.

ĐBQH Trương Thị Ánh (TP.HCM):

"Tôi kiến nghị Quốc hội lập một tổ giám sát ngay từ lúc khởi đầu dự án và đây phải là giám sát đặc biệt".

"Thế hệ vàng về vật lý hạt nhân đang gần hết rồi, thế hệ đào tạo ở Liên Xô những năm 70- 80 còn một số ít thôi", ông Thuận cảnh báo.

Bà Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng nhân lực cho ngành điện hạt nhân không phải chuẩn bị vài ba năm là xong. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ được chiến lược này.

"Công nghệ tối tân thì cũng phải có con người tương xứng để vận hành máy, mà là người ngay tại chỗ thì càng tốt", bà Kim Anh nói.

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng, nên "cài cắm" nhân lực vào các khâu của quá trình thực hiện dự án.

Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia về một lĩnh vực mới như hạt nhân, nên có lộ trình cụ thể về việc gửi cán bộ đi đào tạo ở các nước tiên tiến.

"Báo chí nên đưa tin rộng rãi"

Ở hầu hết các tổ, có một điểm chung khiến nhiều ĐBQH băn khoăn, đó là việc dự án điện hạt nhân đã được tuyên truyền đến dân thế nào, mà ngay ĐBQH cũng chưa đủ hết thông tin.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho hay, các nhà khoa học hiện đang có nhiều điểm phân vân.  "Họ đã đề xuất 15 rủi ro của điện hạt nhân, nhưng báo cáo Chính phủ chưa thấy nhắc đến", ông Vinh thắc mắc.

Theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Chính phủ nên tận dụng các chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân để hiểu kỹ cả về hiệu quả kinh tế lẫn tính bền vững của năng lượng này, bởi các ĐBQH không thể hiểu biết sâu.

Theo phân tích của các ĐB, những ý kiến trái chiều không có hàm ý phản đối mà chủ yếu do lo  lắng. Ý kiến trái chiều góp vào để việc xây dựng nhà máy được tốt hơn, cũng để người dân làm quen với việc có một nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ.

"Không phải ai cũng ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để có đủ tư liệu. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi thì ĐBQH có nhiều thông tin hơn. Nếu Quốc hội thông qua thì Chính phủ và EVN cần làm công tác truyền thông tốt hơn", bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý.

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được thảo luận tại Hội trường chiều 13/11.

  • Lê Nhung - Xuân Linh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,