221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1249162
Chuyên viên làm tắc và trách nhiệm người đứng đầu
1
Article
null
Chuyên viên làm tắc và trách nhiệm người đứng đầu
,

Tại hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội gần đây, bí thư một số quận, huyện - chứ không phải thủ trưởng hành chính - "kêu" về chất lượng công việc của chuyên viên. Không biết chuyên viên trong các cơ quan thuộc quyền của các bí thư có tiến bộ hơn không?

Trách nhiệm người đứng đầu 

Về nguyên tắc, trong cơ quan hành chính, thủ trưởng là người chịu trách nhiệm đến cùng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Chuyên viên là cán bộ dưới quyền, không thể viện bất kỳ lý do gì để trì hoãn việc chấp hành mệnh lệnh hành chính. 

Ảnh: VNN
Một hành vi hành chính hoặc hoạt động công vụ không được thực hiện đúng qui định, qui trình thì chuyên viên chịu trách nhiệm trước thủ trưởng quản lý trực tiếp. Ngoài khen thưởng khi có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyên viên có thể bị kiểm điểm, kỷ luật, từ nhắc nhở đến buộc thôi việc. Vậy trách nhiệm với xã hội về hoạt động của cơ quan là của người đứng đầu cơ quan. Trách nhiệm trực tiếp của chuyên viên chỉ duy nhất với thủ trưởng quản lý trực tiếp mình. 

Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể phàn nàn với xã hội rằng, pháp luật chưa rõ ràng, cơ chế chưa hoàn thiện dẫn đến hạn chế sự thành công hoặc làm giảm chất lượng phục vụ nhân dân. Song thủ trưởng chính là người phải chịu trách nhiệm trước nhân dân do lỗi của mình đã dùng những cán bộ không đủ năng lực hoặc thiếu trách nhiệm. 

Họ cũng phải chịu trách nhiệm với cấp ủy về sứ mệnh chính trị của mình. Cứ suy diễn như thế, trách nhiệm cấp ủy với nhân dân là đã đào tạo, bồi dưỡng, đề cử cho chính quyền những cán bộ không đủ năng lực, không dám chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả hoạt động của cơ quan, của ngành được giao với vai trò là người đứng đầu.

Phải chăng, chính chuyên viên (kể cả thẩm phán và kiểm sát viên) có hạn chế năng lực nên cấp ủy phải cho ý kiến về án trước khi viện kiểm sát công bố cáo trạng và tòa tuyên án! Đâu đó, vẫn còn những ý kiến của cấp ủy không phải là tự nhận xét về hoạt động chính trị của cấp ủy, của đảng viên mình. Khi hậu quả chính quyền để lại cho xã hội thì có khi cấp ủy đã tham gia vào cả những lĩnh vực không thuộc trách nhiệm theo pháp luật.

Khi bí thư "kêu" chất lượng chuyên viên

Điều đáng bàn và phải bàn cho hoàn thiện cơ chế công vụ hiện nay để công chức nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đó là những yếu tố tạo nên chất lượng công vụ. Phải chăng, công thức đơn giản nhất là, qui định pháp luật, nội qui, qui chế của cơ quan, qui trình, kỹ năng chuyên môn, trang thiết bị công sở, trí tuệ, sức lực của công chức tạo thành chất lượng công vụ. 

Trong đó, chuyên viên chỉ duy nhất được sở hữu trí tuệ và sức lực của mình. Các yếu tố khác tạo nên kết quả công vụ phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan, chính quyền đang thừa hành quản lý, sử dụng. 

Trí tuệ và sức lực của chuyên viên cũng chỉ phát huy tối đa khi điều kiện làm việc đáp ứng, sự xếp sắp hợp lý và sự khơi dậy, phát huy của người sử dụng lao động. Vậy, hiệu quả lao động thấp, qui trình tác nghiệp chưa chuyên nghiệp của công chức có lẽ phải xem từ góc độ người sử dụng lao động. 

Hơn ai hết, cấp ủy cùng cấp có trách nhiệm lãnh đạo, giám sát việc đầu tư, quản lý và hiệu quả sử dụng chuyên viên từ người đứng đầu cơ quan hành chính. Giải pháp để công chức phát huy tốt nhất cho quá trình công vụ nhanh, chính xác và hiệu quả không chỉ dành đòi hỏi người chuyên viên, mà trước hết, từ người lãnh đạo, quản lý và sử dụng họ.

Trong một hội nghị của Đảng bộ TP Hà Nội gần đây, bí thư một số quận, huyện - chứ không phải thủ trưởng hành chính - "kêu" về chất lượng công việc của chuyên viên. Không biết chuyên viên trong các cơ quan thuộc quyền của các bí thư có tiến bộ hơn không? Nếu mẫu mực, hoàn toàn cấp ủy có thể tăng cường tuyển dụng, bồi dưỡng và tạo nguồn để luân chuyển chuyên viên từ cơ quan đảng sang cơ quan của chính quyền để nền công vụ được hiệu quả hơn.

Còn từ suy nghĩ khác, môi trường đầu tư và xã hội hiện nay đã khác trước nhiều lần về chất lượng "hạ tầng kĩ thuật", không biết môi trường, điều kiện cho công chức được "bằng" như xã hội đang có không, hay họ chỉ biết mơ ước những gì ngoài xã hội đang có mà khu vực nhà nước đang "lẽo đẽo" đi sau. Hơn nữa, lương, thu nhập của công chức có đủ để sống, hay họ đang phải tìm mọi cách, kể cả "cách" đang bị cả xã hội lên án là tệ cửa quyền, trì trệ và nhũng nhiễu để mưu sinh?

Cải cách bộ máy nói chung và chất lượng công vụ nói riêng là một quá trình cần thay đổi về chất. Vấn đề cốt lõi cần cải cách nên bắt đầu từ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Cấp ủy phải hoạch định được chiến lược cải cách; định hướng được quá trình cải cách và dự liệu được sản phẩm sau cải cách. 

Việc chọn vấn đề trọng tâm hay đột phá là phương pháp rất đúng cho bước đầu tiên, nhưng để cải cách chất lượng công vụ hiệu quả, phải thực hiện một cách tổng thể, cơ bản và rất thực chất trên tất cả các yếu tố tạo nên một chế độ công vụ. Con người - công bộc trong bộ máy nhà nước là trung tâm, bắt đầu cũng phải từ người lãnh đạo, cách lãnh đạo; người chỉ huy, cách chỉ huy và quản lý của người đứng đầu cơ quan.

  • Trí Minh
    Bài tiếp theo: Có thật cấp dưới "to" hơn cấp trên?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,