- Một ngày trước phiên chất vấn của Quốc hội (ngày 17, 18 và sáng 19/11), Bộ trưởng các bộ Công an, Công Thương và Ngoại giao đã có công văn trả lời chất vấn của các ĐBQH về vụ PCI, khai thác bể than sông Hồng và bảo vệ ngư dân.
Vụ PCI chậm: Vì phải vận dụng cả luật pháp quốc tế
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết cho hay, ông vừa nhận được công văn ký ngày 16/11/2009 của Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời chất vấn của ông liên quan đến tiến độ xử lý vụ PCI.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng là: Vì sao tiến độ xử lý vụ PCI chậm? Chính phủ có được các đối tác như Úc, Đức, Mỹ... thông báo về những vụ việc tương tự hay không? Thái độ của Chính phủ như thế nào? Thủ tướng có tán thành việc lập Ủy ban đặc biệt của Quốc hội để phối hợp hành động, thúc đẩy nhanh quá trình điều tra hay không?
Trong công văn dài gần 4 trang, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã trình bày diễn tiến, kết quả bước đầu của công tác điều tra vụ PCI và thu thập tin tức về một số vụ việc khác. Về lý do diễn tiến vụ việc chậm, Bộ trưởng Công an nói, do phía Nhật chuyển hồ sơ cho Việt Nam chậm và vụ việc có yếu tố nước ngoài nên phải vận dụng cả luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ sự tin tưởng vào quá trình điều tra, sự nghiêm minh của pháp luật và cũng để giữ bí mật trong khi vụ việc đang điều tra, xin không công bố cụ thể nội dung công văn trả lời của Bộ trưởng.
Về đề xuất lập Ủy ban đặc biệt của Quốc hội, ông Thuyết cho rằng giải trình của Bộ trưởng cho thấy công tác điều tra đang được tiến hành nghiêm túc, đúng pháp luật nên chưa cần đề xuất kiến nghị của mình lên Quốc hội.
Khai thác than: Không ảnh hưởng nhiều đến đất lúa
Theo các tài liệu địa chất của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), bể than sông Hồng được đánh giá có tiềm năng rất lớn về tài nguyên. Chất lượng than phù hợp cho sản xuất điện, xi măng.
Vùng chứa than phân bố trên diện tích khoảng 3.500 km2 với mật độ chứa than lớn, khoảng 30 - 100 vỉa. Dự báo trữ lượng 210 tỷ tấn, gấp 20 lần so với bể than Quảng Ninh.
Với trình độ hiện nay, có thể khai thác được khoảng trên 65 tỷ tấn trên diện tích 1.500 km2. Thái Bình chiếm gần 90%, Hưng Yên chiếm 8,5% tài nguyên than.
Bộ trưởng Công Thương cho hay, theo các số liệu thăm dò, đã có 104 lỗ khoan thăm dò than và dầu khí với tổng khối lượng 43,4 km khoan.
Từ năm 1998 - 2002, TKV đã hợp tác cùng tổ chức NEDO (Nhật Bản) tiến hành khoan 19 lỗ khoan thăm dò, tập trung vào khu vực Bình Minh, Khoái Châu (Hưng Yên) với diện tích 25km2.
Trữ lượng than ở đây vào khoảng 456 triệu tấn.
Như vậy, để khai thác phần diện tích còn lại của bể than sông Hồng, kể cả thử nghiệm, cần phải thăm dò và đánh giá trữ lượng chi tiết... Ngoài ra, cần tiến hành hàng loạt đánh giá tác động môi trường, xã hội, tác động đến đất nông trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực...
Bộ Công Thương đang cùng các bộ ngành khác chỉ đạo ngành than xây dựng Đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng để nghiên cứu và đánh giá về các nội dung trên.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho hay, việc khai thác bể than sông Hồng "bước đầu sẽ có tác động nhất định đến môi trường, môi sinh, có khả năng gây sụt lón mặt đất, tác động ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm. Ngoài ra còn tác động đến an toàn của con người và công trình trên mặt đất như di tích lịch sử, công trình văn hoá, nhà dân, hệ thống giao thông, đê điều".
Như vậy, bên cạnh những tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nếu khai thác than tại khu vực này cũng sẽ khó tránh khỏi việc gây ra một số ảnh hưởng không thuận.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định, để tiến hành khai thác, cần có những bước đi thận trọng theo nguyên tắc tối đa hoá tác động thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực.
Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng cho phép lập dự án Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng than đồng bằng sông Hồng cùng với việc lập Báo cáo đánh giá môi trường quy hoạch.
Sau đó, nếu thấy đã tập hợp tương đối đầy đủ các dữ liệu thì có thể xem xét kiến nghị cho tiến hành thử nghiệm công nghệ nhằm xác định khả năng công nghệ khai thác, chế biến và sử dụng than, xác định các vấn đề liên quan đến sụt lún bề mặt đất, ảnh hưởng của nước mặt, nước ngầm, hiệu quả dự án và quan hệ tác động kinh tế - xã hội khác.
Ông Hoàng cũng giải đáp những quan ngại của ĐB Vũ Quang Hải về tác động của khai thác than đến sử dụng đất nông nghiệp và an ninh lương thực.
Theo các số liệu tính toán trong đề án phát triển bể than thì các dự án đầu tư để khai thác sẽ có diện tích chiếm đất thấp hơn so với các dự án tại vùng Quảng Ninh.
Giai đoạn thử nghiệm dự kiến sử dụng khoảng 600 ha đất (Hưng Yên 450 ha). Sau năm 2025, khi dự án triển khai chính thức thì tổng diện tích đất sẽ vào khoảng 3.900 ha. Lần lượt là, Hưng Yên khoảng 2,24% đất nông nghiệp (tương ứng 11.000 tấn/năm); Thái Bình tối đa 3,5% (tương đương 35.600 tấn lúa/năm) và Nam Định 0,19%...
"Mức độ ảnh hưởng với đất nông nghiệp không lớn. Không ảnh hưởng nhiều đến an ninh lương thực quốc gia", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng dẫn chứng nhiều số liệu để khẳng định việc khai thác bể than sông Hồng là cần thiết để bù đắp tình trạng thiếu hụt năng lượng thời gian tới.
Theo đó, năm 2015 sẽ thiếu khoảng 25 triệu tấn than, năm 2020 thiếu khoảng 70 triệu tấn.
ĐBQH Vũ Quang Hải cũng chất vấn: Chủ trương khai thác bể than sông Hồng có được Hội đồng nhân dân tỉnh, Quốc hội xem xét không, ai là người chịu trách nhiệm chính hay lại đặt cơ quan dân cử trước việc đã rồi?
Bộ trưởng Công Thương khẳng định, đề án phát triển bể than ĐBSH cũng tương tự như nhiều đề án, quy hoạch khác đã được phê duyệt mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu, chưa phải là dự án đầu tư.
Khi lập dự án đầu tư cụ thể, tuỳ theo quy mô, tính chất của dự án, chủ đầu tư và Bộ quản lý sẽ báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội.
Ngày mai (17/11), các vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường.
Bộ trưởng Công Thương sẽ là người lần thứ ba liên tiếp đăng đàn tại Quốc hội. Tính đến cuối tuần qua, ông đã nhận được 29 chất vấn, nhiều thứ hai sau Thủ tướng.
"Yêu cầu các nước xử lý nghiêm minh" Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã có công văn trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Thuyết về câu hỏi liên quan đến việc ngư dân Việt Nam bị đối xử thô bạo. Đồng thời, yêu cầu các nước xử lý nghiêm minh đối với những người đã có hành động thô bạo, cam kết không để xảy ra các hành động tương tự trong tương lai. Ngay sau khi Chính phủ Indonesia ban hành bổ sung Luật Thủy sản, trong đó cho phép tàu tuần tra bắn tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Indonesia, ngày 2/11, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã gặp đại diện lâm thời Đại sứ quán Indonesia bày tỏ quan ngại trước việc Indonesia áp dụng biện pháp cứng rắn này đối với ngư dân nước ngoài. Nhấn mạnh rằng bất luận trong trường hợp nào việc lực lượng tuần tra bắn vào ngư dân là việc làm vô nhân đạo, trái với các quy định trong luật pháp quốc tế. |
-
Lê Nhung