221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1244644
Án tham nhũng "chậm vì giám định lâu"
1
Article
null
Án tham nhũng 'chậm vì giám định lâu'
,

 - 3 ĐBQH - Bộ trưởng Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sáng nay (5/11) đã tranh thủ đăng đàn để giải đáp những băn khoăn mà nhiều ĐBQH khác bày tỏ chiều qua về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có án tham nhũng.

>> ’Án treo tham nhũng quá nhiều’
>> Bộ trưởng Công an: Vụ PCI làm chậm mà chắc

"Thông đồng với cơ quan chức năng"

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh thừa nhận, việc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng còn hạn chế so với thực trạng. Thời gian điều tra các vụ án cũng kéo dài.

Ông Anh giải thích: "Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm hết sức khó xử lý cũng như điều tra để tìm đủ chứng cứ nhằm truy tố theo pháp luật. Đối tượng phạm tội có chức vụ, trình độ và có sự thông đồng với các cơ quan chức năng nhà nước".

Mặt khác, theo phân cấp quản lý, khi nào muốn xử lý cán bộ là phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, các vụ án tham nhũng đều phải trưng cầu giám định nên cũng mất không ít thời gian để chờ đợi.

"Mặc dù ta có quy định là các cơ quan chức năng phải tiến hành giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra nên các cơ quan giám định kéo dài thời gian. Cơ quan điều tra cũng phải trả tiền cho cơ quan giám định chứ không phải đề nghị là xong, chi phí trả tiền giám định cũng rất cao.  Chúng ta chưa có cơ quan giám định cấp Trung ương, chỉ là của bộ này, bộ khác", Bộ trưởng Công an lý giải.

Bộ trưởng cũng đưa ra một số lý do khác: Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chưa chặt chẽ, kinh nghiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ còn thiếu.

"Tôi cũng thừa nhận là một số cán bộ điều tra cũng có lúc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm", ông Lê Hồng Anh cho hay.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng bổ sung: "Các vụ án tham nhũng kéo dài vì cực khó trong các khâu thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ".

Ông Trần Quốc Vượng cũng tán thành với giải thích của Bộ trưởng Công an, đó là, "vướng nhất, mất thời gian nhiều nhất vẫn ở khâu giám định". Như vụ  điện kế điện tử xảy ra ở TP.HCM từ năm 2005 nhưng mãi đến năm vừa rồi mới xử lý được cũng vì đợi giám định.

Để gỡ vướng, ông Vượng cho rằng, phải có một trung tâm giám định của quốc gia.

Nên hạn chế án treo với tội tham nhũng

Mô tả ảnh.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng. Ảnh: TTXVN
Về hiện tượng tăng đột biến án treo, chiếm tới hơn 1/3 tổng số vụ án được xét xử, trong đó nhiều nhất là án tham nhũng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nói, "các trường hợp tòa án áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo là đúng quy định nhưng cũng có phát hiện ra một số trường hợp sai lầm".

Theo kết quả tự kiểm tra của 63 TAND cấp tỉnh, trong 9 tháng, tính từ 1/3/2008 đến hết năm 2008, đã phát hiện tới 296 bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, chiếm khoảng 1% tổng số bị cáo cho hưởng án treo, trong đó có một số trường hợp phạm tội tham nhũng.

Theo ông Bình, có những trường hợp là do thẩm phán nhận thức không đúng các quy định về điều kiện cho hưởng án treo nhưng cũng có trường hợp xảy ra tiêu cực.

"Tòa án tối cao đang tăng cường các biện pháp kiểm tra cụ thể để có đủ căn cứ xử lý chính xác những trường hợp vì lý do tiêu cực mà cho tội phạm hưởng án treo", ông Bình nói.

Ông Trương Hòa Bình cho hay, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp thẩm phán có dấu hiệu tiêu cực.

Năm 2009 có 5 thẩm phán chưa được bổ nhiệm xem xét do đã xem xét các trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

Chia sẻ với băn khoăn của ĐBQH về việc tỷ lệ án treo trong các vụ tham nhũng chiếm tới trên 30%, ông Trần Quốc Vượng nói, sắp tới đây, các cơ quan tư pháp sẽ phải làm việc chặt chẽ hơn nữa để khắc phục tình trạng này.

Tòa án nhân dân tối cao vừa qua đã kiểm tra trong toàn hệ thống và đã phát hiện ra những trường hợp xử chưa đúng. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã có kháng nghị về một số trường hợp cụ thể.

"Năm 2009, có tới 50 - 55% kháng nghị của Viện kiểm sát là phải tăng mức hình phạt, không cho hưởng án treo", ông Vượng nói.

Ông Vượng cho hay, tòa án tỉnh Bình Phước vừa qua đã tuyên 4 bị cáo tội tham ô, cho hưởng án treo. Sau khi Viện kiểm sát kháng nghị, các bị cáo trên đã phải nhận hình phạt tù.

Trước đó, các ĐBQH đã nêu kiến nghị, nên quy định rõ tội danh nào được hưởng án treo.

Với tội danh tham nhũng, cần hạn chế mức án này mà phải xử nghiêm để thể hiện quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

 

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: "Sao lại chậm vậy?"

Vụ PCI sau khi chất vấn ở Quốc hội và Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo đã chuyển biến. Tuy nhiên, suốt hơn một năm qua cũng chỉ mới hoàn thành được một việc là dịch khoảng 4.000 trang tài liệu, chủ yếu bằng tiếng Anh, do phía Nhật đưa sang.

Sao lại chậm vậy? Chia cho 365 ngày thì mỗi ngày chỉ dịch được 11 trang. Đó là tốc độ dịch của một người có trình độ trung bình về ngoại ngữ. Tại sao nói chống tham nhũng là rất quan trọng mà chúng ta không tập trung đội ngũ vào đây để hoàn chỉnh bản dịch ấy để điều tra, đánh giá?

Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: "ĐBQH sốt ruột cũng đúng thôi"

Về vụ PCI, ta mới xử tội lạm dụng chức vụ quyền hạn. Vụ án này còn liên quan đến Nhật Bản.

Với tư cách cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp, từ cuối năm 2008, chúng tôi đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp tài liệu. Nhưng phía Nhật mãi đến tháng 4/2009 mới đưa cho ta, tài liệu dày dặn, trên 3.000 trang. Viện Kiểm sát đã chuyển cho cơ quan của Bộ Công an dịch.

Yêu cầu dịch các tài liệu này cũng khác, phải đảm bảo chặt chẽ và có tính pháp lý để có căn cứ xử lý. Do đó cần thời gian.

ĐBQH sốt ruột cũng đúng thôi nhưng phải thông cảm với các cơ quan tư pháp chúng tôi. Sắp tới sẽ tiến hành các bước tiếp theo và chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội sau.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,