Theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một trong những mục tiêu quan trọng đã được Hiến chương ASEAN ghi nhận, đó là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.
Ảnh: Cao Nhật
Từ khi Hiến chương ASEAN ra đời chưa đầy 2 năm, đây là lần đầu tiên Hiệp hội Luật các nước thành viên ASEAN cùng bàn thảo về những vấn đề pháp luật được đặt ra.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn: "Nội dung thảo luận tại Đại hội sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị pháp lý nền tảng của cộng đồng chúng ta, làm cơ sở cho việc tiến hành các cải cách thiết chế và pháp luật ở mỗi nước".
Đại hội lần này là cơ hội tốt để các nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng ASEAN thành một "cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, tôn trọng ý nghĩa to lớn của sự thân thiện và hợp tác" như đã ghi trong Hiến chương ASEAN.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, ngay từ buổi đầu thành lập, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm thích đáng cho việc thực thi và phát triển dân chủ, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội song song với sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
"Cải cách lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp có mục đích tiếp tục khẳng định và phát triển những giá trị lịch sử chân chính của chế độ pháp quyền", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Những giá trị đó, theo Chủ tịch nước bao gồm: bảo đảm tôn trọng nhân quyền, bảo đảm vai trò làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định chính sách và pháp luật, trong việc kiểm tra và giám sát bộ máy Nhà nước, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền.
Đó còn là sự bảo đảm phân công, phối hợp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo đảm và tôn trọng sự độc lập của hoạt động xét xử, triệt để thực hiện các nguyên tắc tố tụng quan trọng như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc về sự tham gia của hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội...
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thắn cho rằng những thành tựu và cố gắng trong các nỗ lực cải cách "chỉ mới là bước đầu trên con đường dài của sự hoàn thiện chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
"Trong tầm nhìn trung tâm của chúng tôi vẫn là những đòi hỏi bức xúc về sự củng cố và phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, có trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội trường sáng nay, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho rằng sự kiện này đánh dấu sự tham gia đầy đủ của Hội Luật gia Việt Nam trong tổ chức rộng rãi của giới Luật gia đang công tác, hành nghề ở các quốc gia ASEAN.
Đây là Đại hội ALA đầu tiên sau sự kiện thành lập cộng đồng ASEAN, là đại hội bắt đầu cương vị chủ tịch ALA lần đầu tiên của Ủy ban quốc gia ALA Việt Nam.
- Cao Nhật