- Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM lần thứ 17 khóa 8 diễn ra ngày 14/10, chỉ một ngày sau khi Hội nghị BCH Đảng bộ Thành phố Hà Nội bế mạc.
Hai hội nghị, cùng một tầm vóc, cùng một tổ chức, ở hai thành phố lớn nhất đất nước. Thế nhưng cách ứng xử với báo chí thì hoàn toàn khác nhau.
Bên mở, bên khép
Hà Nội mở cửa cho tất cả các cơ quan báo chí của thành phố và trung ương, để thông qua báo chí, cho người dân Thủ đô và cả nước biết cơ quan quyền lực của Đảng tại Hà Nội đang họp gì, bàn gì, chuẩn bị làm gì.
TP.HCM thì chọn lọc danh sách báo chí đưa tin, và những "nhân vật" đã qua sàng lọc ấy, hình như cũng chưa đủ độ tin cậy, nên "cảm phiền" chỉ được tham dự 15 phút trong phiên khai mạc và gần 1 giờ đồng hồ phiên bế mạc.
Nhờ có báo chí, thông điệp của lãnh đạo TP được truyền tải nhanh chóng, trung thực đến người dân.
Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội đánh giá các mặt kinh tế, xã hội, chính trị sau 1 năm mở rộng Thủ đô; công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của tổ chức Đảng và chính quyền thành phố trong năm 2009; công tác chỉ đạo tiến hành đại hội Đảng các cấp, công tác cán bộ…
Hội nghị của BCH Đảng bộ TP.HCM đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2009, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; bàn việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội đại biểu Đảng bộ TP sắp tới.
Xem ra, nội dung của hai Hội nghị không có khác biệt lớn. Nghĩa là những vấn đề được đưa ra trao đổi, bàn bạc tại Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội không hề kém quan trọng hay ít bí mật hơn so với nội dung làm việc ở Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM.
Vậy nhưng báo chí TP.HCM không có cái "may mắn" như các đồng nghiệp ngoài Hà Nội!
Xưa nay, nói đến TP.HCM, người ta nói đến sự năng động, cởi mở, dám làm dám chịu. Nhưng từ lâu, không ít phóng viên ở đây chỉ biết lắc đầu mỗi khi nói đến chuyện làm sao qua được cổng UBND TP để vào dự các cuộc họp hoặc hội nghị, hội thảo về những vấn đề kinh tế, xã hội, đô thị… có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. "Phải có giấy mời" là câu trả lời thường xuyên được nghe tại đây.
Thiếu tin cậy hay...?
Tất nhiên, trong khuôn khổ pháp luật, có những vấn đề giới chức lãnh đạo được quyền không công bố. Nhưng “khuôn khổ pháp luật” cũng quy định không được cản trở họat động báo chí nếu điều đó không xâm hại đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ...
Thời gian qua, không phải không có những vụ việc báo chí thông tin thiếu trung thực, chưa chính xác làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hoạt động của tập thể này, cá nhân kia. Cũng có nhiều vụ việc, thực tế diễn ra như thế này nhưng báo chí thông tin như thế khác.
Lý do của sự sai lệch có thể do trình độ, nhận thức của phóng viên còn hạn chế. Cũng có thể do ý chí chủ quan của phóng viên, của tòa soạn. Nhưng cũng có không ít cơ quan chức năng thiếu thiện chí hợp tác, từ chối cung cấp thông tin (mà lẽ ra phải cung cấp theo đúng luật) dẫn đến việc một số phóng viên tìm cách bù đắp lỗ hổng thông tin chính thống bằng các nguồn tin khác khiến thông tin sai lệch.
Một phần diễn biến Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM chỉ một số báo được phép tham dự mới biết rõ. Song ngay những tờ báo không được tham dự thì ngày hôm sau, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đều cố gắng đưa tin về hoạt động này bởi đây là thông tin quan trọng, liên quan đến xã hội và người dân. Đó là một ví dụ.
Tất nhiên, không thể đưa ra lý do để thanh minh cho sự giảm sút uy tín của báo chí. Song, nếu vì thế mà tìm cách hạn chế hay cản trở hoạt động của báo chí thì e rằng cũng không đúng, thậm chí là vi phạm luật.
Khi đọc những thông tin trên báo về phát biểu kết luận Hội nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ yếu là những nhận định rất sát sườn, thẳng thắn của ông về tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, quản lý của các cấp lãnh đạo TP thời gian qua, nhiều người thấy lạ.
Lạ bởi những thông tin ấy và hoạt động ấy (đánh giá kinh tế - xã hội TP 9 tháng đầu năm và thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm) của Hội nghị không bí mật, ngược lại, rất cần công khai vì có tác động trực tiếp và tích cực đến xã hội, đến người dân. Sao báo chí lại bị hạn chế tham dự?
Nội dung - kể cả các ý kiến của từng thành ủy viên tại Hội nghị - càng được thông tin rộng rãi trong dân bao nhiêu chỉ càng có lợi cho TP bấy nhiêu.
Bởi nhờ có báo chí, người dân nhận ra sự thẳng thắn, ý thức trách nhiệm trước dân, trước xã hội của lãnh đạo Đảng, chính quyền TP.
Điều đó chỉ có tác dụng củng cố niềm tin trong nhân dân với Đảng, với chính quyền.
Khi thông tin đã minh bạch, công khai, nếu có tờ báo nào cố tình làm sai lệch, luật pháp đâu thiếu chế tài? Và khi đó, sẽ chẳng có ai bênh vực những nhà báo đã bẻ cong ngòi bút, dù với bất cứ lý do gì.
Tiếc là cách hành xử lần này cho thấy sự "cảnh giác cao độ" của lãnh đạo TP.HCM với báo chí - một biểu hiện cụ thể của sự thiếu tin cậy!
Vậy thì báo chí tại TP có thật đã đến nông nỗi này, hay rốt cuộc, TP đang trở lại với cách ứng xử "cái gì khó quản lý hoặc không quản lý được thì cấm hoặc hạn chế cho… an toàn" mà nhiều năm trước, báo chí từng phê phán?
Ngày 14/10, để có thể tham dự Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM, PV phải có giấy mời, trong đó viết: "…Theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Văn phòng Thành ủy kính đề nghị các đồng chí cử phóng viên đến làm nhiệm vụ 15 phút tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP - khóa 8 vào lúc 09 giờ 30 đến 09 giờ 45 thứ tư, 14 tháng 10 năm 2009 và dự phiên bế mạc vào lúc 15 giờ 45 thứ tư, ngày 14 tháng 10 năm 2009 tại Hội trường A bộ chỉ huy quân sự TP… Mong các đồng chí cử phóng viên đến đúng giờ (mang theo công văn để vào cổng)…"
- Trần Vân