- Cách đây đúng 60 năm (ngày 15/10/1949), Bác Hồ viết trên báo Sự thật: Dân vận không phải "chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh", điều quan trọng hơn cả là "phải thật thà nhúng tay vào việc".
Để khắc phục tình trạng một số cán bộ, đảng viên do "bận việc" mà sao nhãng việc học tập, chưa biết làm việc "đúng hơn, khéo hơn", nên còn mắc nhiều khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, làm tổn hại đến "oai tín" của Đảng, làm giảm sút niềm tin của dân chúng đối với Đảng, dẫn đến sự xa cách giữa Đảng với dân chúng, không những "ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết" mà còn "phá hoại sự đoàn kết toàn dân", Bác Hồ đã có nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết về công tác dân vận.
Có thể kể đến: Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà; Chính phủ là công bộc của dân; Sao cho được lòng dân?; Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng; Sửa đổi lối làm việc... Qua đó, những quan điểm tư tưởng của Người về công tác dân vận ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là trong bài DÂN VẬN đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949.
"Nước ta là nước dân chủ"
Với lối viết rất riêng và ngắn gọn (chỉ với 621 từ), dưới dạng trả lời cho các câu hỏi: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải như thế nào?... bài báo đã đi sâu vào những vấn đề rất cụ thể nhưng có tính khái quát cao.
Mở đầu bài báo, Người viết: "Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại".
Tiếp đó, Người khẳng định rõ "Nước ta là nước dân chủ", vì thế:
"Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".
Bác Hồ thăm hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu |
Sau lời khẳng định có tính định hướng nêu trên, Người nêu câu hỏi "Dân vận là gì" và chỉ rõ: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".
Để làm tốt điều này, theo Người, không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị là đủ, mà trong mọi việc đều phải có quy trình và được tổ chức thực hiện chặt chẽ theo từng bước cụ thể. Trong đó, "bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành".
Ở phần tiếp theo, Người khẳng định rõ công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của bộ máy chính quyền và đoàn thể các cấp và của mọi cán bộ, đảng viên của Đảng.
"Thật thà nhúng tay vào việc"
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn việc tổ chức, thực hành công tác dân vận, Người chỉ ra cách làm cụ thể:
"Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.
- Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...
- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ v.v...".
Ở phần cuối bài báo, trước khi kết luận "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", cùng với việc chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm ở nhiều nơi còn "xem khinh việc dân vận", chỉ cử ra một ban hoặc vài người, thường là những cán bộ kém rồi bỏ mặc, không trông nom giúp đỡ gì, Người yêu cầu những người phụ trách công tác dân vận phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" chứ không phải "chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh" và điều quan trọng hơn cả là "phải thật thà nhúng tay vào việc".
Những quan điểm chỉ đạo, phương thức, cách tiến hành và lực lượng làm công tác dân vận mà Bác Hồ đã nêu trong bài báo không chỉ thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng "yêu dân, kính dân" của Người từ những ngày đầu cách mạng, mà còn tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình vận động, tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân ta cùng đoàn kết chung quanh Đảng đấu tranh giành tự do, độc lập và xây dựng đất nước.
Với ý nghĩa lớn lao ấy, ngay sau khi ra đời, bài báo đã được coi như một "văn kiện" chính trị có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trở thành "cẩm nang thần kỳ" dẫn đường cho các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng, cho bộ máy chính quyền và đoàn thể các cấp trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
-
Phạm Công Khái (Bảo tàng Hồ Chí Minh)