221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1242137
Đã dịch xong tài liệu vụ PCI
1
Article
null
Đã dịch xong tài liệu vụ PCI
,

 - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay đã dịch xong toàn bộ tài liệu liên quan nghi án công ty PCI hối lộ quan chức Việt Nam.

Trao đổi riêng với VietNamNet bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/10), ông Truyền cho hay tài liệu đã dịch xong nhưng các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, phân tích các yếu tố có liên quan.

"Vụ việc này rất phức tạp. Phía Nhật xác định là có đưa tiền hối lộ nhưng đưa ai, có đến tay người nhận không thì căn cứ cũng chưa rõ vì tài liệu này là một phía. Họ lấy lời khai từ cán bộ hoặc cá nhân của họ mà nguyên tắc trong hình sự của ta là trọng chứng cứ chứ không trọng cung. Nếu chỉ nghe lời khai hoặc lấy cung của một người nói ra thì đó chỉ là một căn cứ tham khảo. 

 

Mô tả ảnh.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ bị chịu án 3 năm tù nhờ có nhân thân tốt. Ảnh: SGGP

Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ vừa rồi chỉ xem xét trách nhiệm cá nhân, có biểu hiện vụ lợi cá nhân nên có thể xem đó là tham nhũng cũng đúng nhưng trên thực tế chỉ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng tài sản trái phép, thu lợi.

Mảng này chưa liên quan đến phía Nhật Bản, nhưng họ cho rằng đó là một phần vụ việc. Đó là cách hiểu của họ.

Tiền dịch tài liệu đúng là rất nhiều". 

Nhân thân tốt vẫn cần được chiếu cố

- Ông nhận định thế nào về việc khi xét xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ có một khái niệm được đưa ra là nhân thân tốt?

Về yếu tố nhân thân, trong Bộ luật Hình sự quy định rõ nhân thân tốt là yếu tố được giảm nhẹ tội. Xã hội muốn công bằng, nhưng chính sách chúng ta đang quy định thì muốn thay đổi phải sửa luật.

Nhưng tôi nghĩ, sửa gì chăng nữa trên thực tế cuộc sống vẫn cần có chính sách chiếu cố cho những người có nhân thân tốt. Nếu anh tiền án, tiền sự thì xử lý khác. Còn bản thân anh trước đó đến nay không làm gì có lỗi, tích cực, tận tụy, vì lý do nhất thời có hành động khác đi; hoặc cả gia  đình từ xưa đến nay cống hiến cho Tổ quốc, cách mạng, chỉ vì một lỗi nào đó mình xử một người mà làm cả một dòng họ, gia đình bị ảnh hưởng thì cũng nên xem xét. 

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: H.Y
Tổng TTCP Trần Văn Truyền. Ảnh: H.Y

- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật QH về công tác phòng chống tham nhũng năm nay cho rằng việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra và kiểm toán chưa nghiêm, còn chậm và thấp, nhất là về trách nhiệm người đứng đầu. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Trên thực tế, ta chưa có chế tài quy định sau thanh tra. Có kiến nghị thu hồi tài chính đấy còn đối tượng có thể chấp hành hoặc không. Khi không chấp hành lại tiếp tục kiến nghị chứ chưa có biện pháp phong toả. Tới đây phải sửa luật, phải bổ sung quy định đó.

Ngoài ra, có những nội dung thanh tra kết luận, đến khi cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện lại yêu cầu cơ quan khác xem xét thêm để coi kỹ lại mức độ, tính hợp pháp và hợp lý thế nào. Đối chiếu pháp luật thanh tra thấy sai rồi, nhưng thực tiễn lại có nhiều vấn đề nên có thể có sự du di, châm chước.

Hoạt động của thanh tra khác với các hoạt động của các cơ quan khác là kết luận vừa phải hợp pháp, vừa phải hợp lý. Nhưng sắp tới chúng tôi cũng phải sửa quy định này. Trường hợp kết luận rõ ràng rồi phải thực hiện ngay, không phải giải trình, xin xỏ, chờ đợi.

Trong một số trường hợp lại liên quan đến trách nhiệm tập thể nên quy trách nhiệm cá nhân là chưa đủ.

Nắm biến động về tài sản

- Hàng năm Chính phủ phải báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng cho Quốc hội (QH). Cử tri cũng yêu cầu phải thảo luận công khai báo cáo này trước QH. Thưa ông, vì sao sau nhiều kỳ họp, việc này vẫn chưa thực hiện được?

Kỳ họp này, Chủ tịch QH có nói do thời gian không đảm bảo, một số vấn đề đã thể hiện trong báo cáo của Chính phủ rồi nên không nhất thiết phải đọc hết.

 

"Có những nội dung thanh tra kết luận, đến khi cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện lại yêu cầu cơ quan khác xem xét thêm để coi kỹ lại mức độ, tính hợp pháp và hợp lý thế nào".

Hơn nữa, nội dung kỳ họp này rất nhiều, QH dành nhiều thời gian để thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội, thảo luận và thông qua các luật.

Được Chính phủ ủy quyền, chúng tôi cũng đã chuẩn bị các báo cáo đầy đủ. Lần này có 2 báo cáo để QH, UBTVQH thẩm tra: về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó, có cả báo cáo về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn là Thanh tra CP. Tôi, với tư cách là Tổng Thanh tra, cũng sẵn sàng trình bày trước QH.

Tổng thể về công tác phòng chống tham nhũng, trước kỳ họp QH, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thay mặt Chính phủ, BCĐ Phòng chống tham nhũng TƯ có ý kiến phát biểu trên báo chí rồi.

- Việc kê khai tài sản, thu nhập có hiệu quả đến đâu trong phòng chống tham nhũng, khi mà đối tượng phải xác minh thu nhập, tài sản còn rất hạn hẹp?

Thanh tra CP chuẩn bị ban hành một thông tư hướng dẫn mới, dự kiến sẽ khắc phục 2 nhược điểm: đối tượng phải tập trung lại, rõ hơn; nội dung kê khai phải gọn hơn nhưng đảm bảo yêu cầu minh bạch thu nhập.

Ở đây là kê khai tài sản và thu nhập, vậy thì tài sản nào phải kê khai, tài sản nào là thu nhập, phải báo cáo rõ. Cần lưu ý đến biến động tài sản, thu nhập. Tất nhiên, hàng năm vẫn phải kê khai một lần. Song một năm tài sản tài sản thay đổi rất nhanh, nếu không nắm được cũng sẽ phát sinh vấn đề.

Việc đánh giá lại và hoàn thiện, bổ sung các bước kê khai tài sản sẽ là tiền đề để xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập.

Thanh tra CP đang nghiên cứu mở rộng đối tượng phải công khai tài sản, chẳng hạn quan chức ở một số vị trí nhất định phải công khai thường xuyên.

Đi nước ngoài học chống tham nhũng

- Ủy ban Pháp luật QH cho rằng năng lực của đội ngũ cán bộ phòng chống tham nhũng cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, BCĐ Phòng chống tham nhũng TƯ đã có biện pháp gì để kiện toàn?

Không phải chỉ năng lực lực lượng chuyên môn cấp tỉnh, mà ngay cả cấp Trung ương cũng đang có những mặt hạn chế. Thanh tra chống tham nhũng phải có biện pháp đặc biệt và nghiệp vụ đặc biệt thì mới có thể làm được. Chúng tôi đang có kế hoạch bồi dưỡng, kể cả tập huấn tại chỗ và ra nước ngoài học tập kinh nghiệm.

Riêng ở địa phương, anh em mới được củng cố, còn anh em giúp việc cho BCĐ thì cũng được điều động từ các cơ quan về. Các lực lượng này vì thế yếu là rõ rồi. Trong khi, quy định về chức năng vẫn chưa rõ, BCĐ TƯ cần tiếp tục hướng dẫn.

Ngoài ra, cơ chế điều hành phối hợp giữa cấp TƯ và địa phương có những mặt áp dụng ngay cho địa phương được, có những mặt không. Do vậy phải xác lập thêm cơ chế để địa phương chỉ đạo được. Tương tự, cán bộ cũng phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Nhân lực yếu cũng có lý do là trước đây, chúng ta sợ bộ máy phình ra nên bố trí rất ít người. Chẳng hạn, một văn phòng có 2-3 người thì làm gì được?

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,