- Tán thành chủ trương phân cấp cho địa phương kiểm tra chất lượng các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về việc liệu địa phương có "xuê xoa", dễ dãi để "bao cấp" cho các trường đại học của tỉnh mình hay không.
>> Mở trường ĐH: Quyết định sai, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm
Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội I Nguyễn Viết Thịnh khẳng định chủ trương phân cấp là cần thiết vì, như Bộ trưởng đã nói, nếu giao hết cho Bộ thì hơn ba năm mới xong được một vòng. Trong khi đó, việc kiểm tra phải làm thường xuyên, không chỉ kiểm tra các trường mới thành lập mà còn phải kiểm tra cả những trường cũ.
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh (trái). Ảnh: LN
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, đang có hiện tượng nhiều tỉnh khi tuyển dụng đã tỏ ra "ưu ái" cho sinh viên được đào tạo tại các trường ở địa phương hơn là sinh viên tốt nghiệp các trường trung ương về.
"Trong khi việc đánh giá về chất lượng sinh viên còn rất khác nhau thì phân biệt như vậy là hơi thiệt", ông Thịnh nói.
Vì thực tế không phải địa phương nào cũng có trường chất lượng cao. Nhất là trong tình trạng hiện nay, nhiều trường ĐH "lên đời" khá nhanh từ trung cấp, cao đẳng.
"Có những thí sinh chỉ đạt 7 điểm ba môn nhưng vẫn trúng tuyển khoảng 20 trường ĐH dân lập", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hồng Nga bổ sung.
Các đại biểu là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng là luật phải phân định rõ quyền, nghĩa vụ giữa Bộ, các địa phương, các cơ sở giáo dục ĐH để khỏi chồng chéo.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân giải thích, hạn chế lâu nay là ở chỗ chưa có văn bản nào quy định rằng tất cả các trường phải được kiểm tra.
"Theo thống kê trong những năm gần đây, trong số 30 trường mới được thành lập có 19 trường được kiểm tra, chiếm 60%", ông Nhân cho hay. Bộ không đủ sức để kiểm tra được hết.
Vì thế, nếu tất cả việc kiểm tra đều giao hết cho Bộ thì càng ngày càng không khả thi vì số trường tăng thêm.
Chính chủ tịch UBND, những người đã góp chữ ký xin thành lập trường, phải có trách nhiệm và có quyền kiểm tra.
Căn cứ theo một số quy định về điều kiện mở trường, thành lập ngành, mở ngành đã có (Quyết định 07 tháng 1/2009) là tỉnh đã có thể vào cuộc kiểm tra được ngay.
Ông Nhân dẫn chứng, tỉnh hoàn toàn có đủ căn cứ để kiểm tra tỷ lệ số giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tiêu chuẩn về diện tích trên bình quân một sinh viên.
"Ở mỗi giai đoạn hiện nay đều có tiêu chí, nhưng khâu yếu là chưa có quy định nào về việc tất cả các trường sau khi mở, phải được kiểm tra theo một chu kỳ nhất định", ông Nhân cho hay.
Bộ trưởng thừa nhận, ta có nhiều chế tài nhưng các năm qua đều chưa sử dụng đến.
"Hai năm vừa rồi, lần đầu tiên Bộ mới xử phạt hành chính bằng tiền những trường làm sai quy định trong tuyển sinh", ông Nhân nói.
ĐBQH Ngô Minh Hồng: Dự thảo sửa đổi bổ sung này vẫn chỉ dừng ở khung. Các khẩu hiệu "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai và cho phát triển", hôm qua tôi thấy in đậm bên tay phải nhưng nhìn kỹ thì bên tay trái đã từng có. Không giải quyết được việc gì cả. Luật này có sửa hay không sửa chưa giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay, chúng ta cũng chưa cảm nhận được sự giảm tải cho học sinh như thế nào, dạy kỹ năng sống cho các cháu ra làm sao. Những cái chúng ta cần là những cái cụ thể hơn, chẳng hạn cách thức thành lập hội đồng biên soạn sách giáo khoa... phải ít nhiều được đưa vào trong luật hoặc nghị định. ĐB Trần Du Lịch: Tôi cảm tưởng khi sửa luật này như sửa cái nhà đang cần gia cố móng mà ta không bàn về móng, lại đi bàn trang trí nội thất. Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Sửa Luật Giáo dục là tạo cơ sở để sửa những văn bản của Chính phủ, của bộ, địa phương. Bức xúc thực tiễn lại đưa vào trong luật điều tiết cụ thể thì không phải. Nhiều điều các đồng chí băn khoăn là đúng nhưng không phải sửa theo cách đó.
- L. Nhung - X.Linh - C. Nhật