- Lập tổ chức độc lập chống tham nhũng, cung cấp cho người dân những "mẹo vặt" để tố cáo tham nhũng... là kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị các cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội hôm nay (29/9).
Hội nghị do Thanh tra Chính phủ tổ chức với chủ đề "Giải quyết tố cáo, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả".
Tổ chức độc lập chống tham nhũng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho hay tham nhũng vẫn còn diễn ra khá nghiêm trọng và phức tạp. Chính phủ đã kiểm điểm nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
"Việt Nam coi trọng sự liêm khiết của cán bộ, công chức, sự công khai, minh bạch và đơn giản hóa của các quy trình, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh", ông Trọng nói.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Việt Nam coi trọng sự liêm khiết của cán bộ, công chức. Ảnh: NH |
Để đề cao trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định rõ việc này. Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm qua, đã có 77 trường hợp người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách.
Quan chức Cục Điều tra tham nhũng của Singapore Ang Seow Lian chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng những cán bộ có phẩm chất và năng lực thích hợp bởi "cán bộ có phẩm chất tồi và năng lực yếu kém sẽ không chỉ làm lu mờ danh tiếng của Cục, mà còn làm ảnh hưởng đến hiệu quả chống tham nhũng".
Ông Lesley D.Junlakan, đến từ Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan, cho hay, hiến pháp nước này cho phép thành lập các tổ chức độc lập về chống tham nhũng. Ủy ban chống tham nhũng quốc gia có chức năng chính là kiểm tra tài sản, trách nhiệm pháp lý và điều tra về "sự giàu có bất thường" của các quan chức.
Bảo vệ người "chỉ điểm"
Xoay quanh chủ đề giải quyết tố cáo chống tham nhũng, quan chức Ủy ban chống tham nhũng Malaysia cho hay luật nước này quy định chặt chẽ bảo vệ người "chỉ điểm" và người cung cấp đơn thư tố cáo.
Theo luật của Malaysia, mọi thứ liên quan đến đơn tố cáo như danh tính người viết đơn, nơi gửi đơn... sẽ không bị tiết lộ hay bị yêu cầu tiết lộ đối với bất cứ người dân, tội phạm hay bất cứ hình thức nào khác ở bất cứ cấp tòa nào.
Trong khi đó, đề cao vai trò của người tố cáo tham nhũng, Philippines có ấn phẩm "Aha" - một cẩm nang cung cấp cho người dân những mẹo vặt về tố cáo và cung cấp thông tin, trang bị cho họ công cụ và thủ tục dễ hiểu, mang tính đời thường.
Tại Việt Nam, những quy định về tố cáo hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 và được đề cập trong Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Ông Hoàng Thái Dương, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho hay, với nguyên tắc mọi thông tin về người tố cáo phải được giữ kín, người tố cáo có quyền được biết tiến trình thực hiện giải quyết vụ việc tố cáo cũng như kết quả giải quyết tố cáo.
-
X.Linh