- “Với quy định tại nghị định mới này, tôi có cảm giác là ai cũng có thể phạt báo chí được"- Tổng biên tập báo Đà Nẵng lên tiếng.
Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo về “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” (dự thảo lần 5, chuẩn bị thay thế Nghị định 56/CP) chuyên đề về báo chí do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đỗ Quý Doãn đã chủ trì ngày 25/9 tại Đà Nẵng.
Ảnh: HC
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng cho hay, ngoài việc kết cấu lại cho phù hợp, nghị định lần này còn có nhiều điểm mới so với Nghị định 56/CP. Trong đó, sửa đổi một số hành vi không còn phù hợp (đăng phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận; viện dẫn nguồn tin; giấy phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử…); cụ thể hoá một số hành vi chưa rõ ràng (quảng cáo trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp; cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí)
Đồng thời bổ sung các hành vi (giấy phép hoạt động quảng cáo; thành lập cơ quan đại diện, cơ quan thường trú báo chí; truyền hình trên mạng Internet; xuất nhập khẩu báo chí; liên kết sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình; chế độ báo cáo); bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo, các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Phải “xin phép” kẻ giết người để… đăng ảnh?
Ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nhất trí với việc nghị định mới nâng mức phạt hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ông đề nghị đưa lên mức phạt cao nhất vì hành vi này có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong những trường hợp cố tình bẻ cong ngòi bút.
Tuy nhiên, ông Trường cho rằng việc áp dụng mức 4 đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí là quá nặng. Theo ông, những kẻ mạo danh như vậy chỉ cốt đến các hội nghị, các lễ khai trương… kiếm phong bì, còn nếu có gây ra hậu quả gì thì đó cũng chỉ là sự phản cảm cho những người làm báo mà thôi.
Theo ông, thuật ngữ áp dụng trong xử lý sai phạm về thông tin, như “thông tin không đúng sự thật, thông tin không khách quan” khi vận dụng vào thực tế sẽ có nhiều kết luận trái ngược do có nhiều cách hiểu khác nhau. Mặt khác, dự thảo nghị định chưa nêu rõ cơ sở phân định đâu là hậu quả xấu nhưng không nghiêm trọng, đâu là hậu quả nghiêm trọng… do thông tin đó gây ra.
Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM Phạm Phú Tâm cũng cho rằng: "Quy định xử phạt các trường hợp đăng tin, bài không khách quan, gây ảnh hưởng xấu là đúng, nhưng thẩm định như thế nào là “không khách quan, gây ảnh hưởng xấu” thì không dễ".
Đơn cử, Quốc hội họp và phê phán ngành, địa phương nào đó, báo đưa tin. Nhưng sau đó, ngành, địa phương đó cho rằng báo gây hưởng xấu đến mình. Vậy trong trường hợp này, báo đúng hay sai?
Ông băn khoăn về quy định xử phạt các trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo nhưng vẫn tiếp tục hoạt động báo chí. Theo ông, bài đăng trên báo là do tổng biên tập chịu trách nhiệm, còn những người bị thu hồi thẻ nhà báo nhưng viết bài báo đó với tư cách cộng tác viên, chuyên gia… thì không thể cấm được vì sẽ vi hiến.
Đồng thời ông đề nghị ban soạn thảo nghị định làm rõ quy định xử phạt đối với trường hợp “đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể”.
Theo ông, quy định như vậy là bất hợp lý và “bất khả thi” đối với các cơ quan báo chí. Đơn cử như trường hợp các báo đăng ảnh tên tội phạm Phạm Đình Dương ngay sau khi tên này đâm chết đại uý công an Phan Công Việt (Đà Nẵng) khi đang làm nhiệm vụ. Nếu căn cứ theo quy định trên thì các báo đều sẽ bị phạt vì ở thời điểm đó tên Dương vẫn chưa bị khởi tố!
Cũng từ vụ việc này, ông cho rằng việc ban soạn thảo nghị định quy định xử phạt các trường hợp đăng, phát tin, bài trên báo chí nhưng không biết rõ họ tên thật của tác giả có thể bị hiểu là hạn chế hoạt động báo chí.
Với các bài chính luận thì quy định này là cần thiết, song với các bài mang tính chất “cảm” hoặc nằm trong sự tương tác của bạn đọc với báo (chẳng hạn rất nhiều bạn đọc đã sử dụng email để bày tỏ với báo tình cảm đối với sự hy sinh của đại uý Phan Công Việt) thì không cách nào biết tên, địa chỉ thật. Ông cho rằng, trong trường hợp này thì vấn đề là nội dung đó đúng hay sai chứ không phải là cái tên.
Tổng biên tập báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc: "Với quy định tại nghị định mới thì ai cũng có thể phạt báo chí được cả". Ảnh: HC
Ai cũng có thể xử phạt báo chí?
“Chúng tôi có cảm giác lần này lại tiếp tục xiết báo chí. Mong muốn của chúng tôi là biết thật rõ, quy định thật rõ để khi bị phạt sẽ tâm phục khẩu phục, chứ mỗi người hiểu mỗi kiểu thì khi bị phạt rất ấm ức. Quy định càng rõ bao nhiêu càng dễ tiếp nhận bấy nhiêu. Nếu không phân định rõ giữa cái sai do vô ý và cái sai do cố ý thì không công bằng, không tạo điều kiện cho báo chí hoạt động”, ông Phạm Phú Tâm nói.
Tổng biên tập báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc khi đề cập thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí cũng bày tỏ: “Với quy định tại nghị định mới này, tôi có cảm giác là ai cũng có thể phạt báo chí được cả, từ UBND các cấp đến thanh tra Sở TT&TT… Trong khi đó, các trường hợp xúc phạm danh dự nhà báo, cản trở tác nghiệp báo chí, huỷ hoại phương tiện hành nghề của phóng viên… thì chỉ bị phạt 3 - 5 triệu đồng. Theo tôi, quy định xử phạt trong lĩnh vực báo chí phải là để tránh sai phạm chứ mục đích không phải là xử phạt”.
Đại diện Sở TT&TT Nghệ An cũng cho rằng, quy định xử phạt đối với hành vi hủy hoại "đồ nghề” của phóng viên như vừa nêu là quá nhẹ so với giá trị thực của phương tiện hành nghề nên không đủ sức răn đe.
Đặc biệt, ông Thắng kiến nghị nghị định lần này cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quan báo chí: “Cần có quy định chế tài xử phạt hành chính đối với cơ quan chủ quản báo chí. Trong thực tế, một số cơ quan chủ quản gần như không quan tâm đến đơn vị báo chí của mình. Chính phủ cần giúp các cơ quan báo chí giải quyết mối quan hệ này, coi đây là cơ hội để làm cho các cơ quan chủ quản có trách nhiệm, tránh tình trạng thả nổi, đổ hết trách nhiệm cho tổng biên tập”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trong xu thế hội tụ công nghệ như hiện nay, lĩnh vực báo chí đang có sự phát triển nhanh chóng, nảy sinh nhiều vấn đề mới mà các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chưa bao quát hết hoặc đã có tính đến nhưng cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Thậm chí có những văn bản mới ra đời thì thực tế của đời sống báo chí đã có những thay đổi.
Ông khẳng định, việc xây dựng nghị định mới không nhằm làm khó thêm cho hoạt động báo chí, không tìm cách hạn chế thông tin mà chú trọng đưa ra hành lang pháp lý để hoạt động báo chí thuận lợi hơn, tự do hơn. Đồng thời đảm bảo tính chính xác, khách quan lẫn sự công bằng đối với mọi thành phần tham gia vào hoạt động báo chí.
-
Hải Châu