- "Tầm nhìn 2020" với dự định chọn tiến sĩ để "kinh bang tế thế" đã kéo lùi suy nghĩ và tiếp tục tác động tiêu cực tới nền giáo dục.
Với lời phân trần "trách nhiệm thuộc về người cấp bằng tiến sĩ’, quả bóng "sử dụng người có bằng cấp cao" trong chiến lược cán bộ của Hà Nội đã được đá sang sân giáo dục.
Cứ như "nỗi buồn của Bộ trưởng Giáo dục" thì cú chuyền bóng này khá hợp lý.
Những "dây thừng" ở ngọn
Tháng 11/2007, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng "chia sẻ nỗi buồn" với đại biểu Quốc hội Đặng Văn Khanh (Hà Nội) câu chuyện, có lần, ông hỏi lãnh đạo một trường ĐH về việc có bao nhiêu luận văn tiến sĩ trong thời gian qua "mới" và "khoa học". Câu trả lời nhận được ngay tắp lự là không có gì mới và cũng chẳng có tính khoa học bởi "quốc tế người ta làm cả rồi".
Tại hội nghị "gắn kết đào tạo tiến sĩ với nghiên cứu khoa học" tổ chức tháng 7/2009, PGS.TS Đặng Hồng Chương, ĐH Kinh tế quốc dân - đơn vị đào tạo hàng đầu về tiến sĩ khối quản lý, kinh tế trong cả nước hiện nay - thẳng thắn: "Không ít tiến sĩ do trường đào tạo ra còn yếu kém một số mặt như trình độ ngoại ngữ thấp, hạn chế trong giao tiếp trực diện cũng như tham khảo tài liệu nước ngoài; trình độ hiểu biết và sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại chưa thạo nên khả năng tiếp nhận thông tin kém; khả năng phổ biến ở dạng định tính, tư duy định lượng và khả năng tính toán còn yếu...".
GS Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng thì nhận thấy tâm lý ngại khó của người học đã gây ra sự lệch lạc trong đào tạo tiến sĩ.
Hà Nội có dám "tạo chỗ trống" cho những ứng viên thực sự có khả năng đột phá tư duy? Ảnh minh họa: Website ĐH Quốc gia Hà Nội |
Theo ông Ga, tâm lý này thể hiện rất rõ giữa tỷ lệ học viên, nghiên cứu sinh của các ngành thuộc lĩnh vực quản lý và số lượng học viên của các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Các ngành khoa học kỹ thuật được đầu tư rất lớn thì lại thiếu học viên trong khi những ngành thuộc lĩnh vực quản lý thì quá tải.
"Điều này dẫn tới nguy cơ đất nước thiếu trầm trọng cán bộ nghiên cứu các ngành khoa học công nghệ nhưng lại thừa cán bộ quản lý".
Với nỗ lực siết chặt đào tạo bậc học cao này, đến tháng 4/2009, Bộ GD-ĐT mới ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ sau 4 năm chỉnh sửa và tiếp thu nhiều góp ý.
Trong đó, có những điểm được xem là "chặt" như yêu cầu nghiên cứu sinh (NCS) phải có trình độ tiếng Anh tương đương TOEFL 500 điểm trước khi bảo vệ luận án; giảng viên hướng dẫn không được nhận thêm NCS khi có 2 NCS không hoàn thành luận án; NCS "tại chức" bắt buộc phải có 1 năm học tập trung; rồi công khai luận án trên mạng v.v...
Khi cái nền méo mó...
Ngành giáo dục hiện nay đang có phong trào "đào tạo theo nhu cầu xã hội" với mục đích tích cực là đòi hỏi các trường ĐH phải tạo được nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và "hội nhập được với quốc tế".
Soi vào thực tế bằng con mắt "mì ăn liền", việc "đào tạo theo nhu cầu xã hội" đang được nhiều trường ĐH thực hiện rất sát.
Hàng loạt lớp tại chức, liên kết mở ra cho những người đang tại vị "hợp thức hóa bằng cấp".
Thanh niên vừa học xong lớp 12 trong chuỗi học thụ động của phổ thông có nhu cầu học lên ĐH như một quán tính "chỉ biết học lên"; phụ huynh có nhu cầu cho con vào ĐH bằng mọi giá để kiếm "giấy thông hành vào đời". Vậy là, trường ĐH cứ nở ra bất chấp các điều kiện thành lập có đảm bảo hay không.
Địa phương có nhu cầu mở đại học để tạo "đẳng cấp" thì có ngay phong trào "một nhà máy đường, một trường đại học", mà tỉnh này đã "lên đời" thì tỉnh kia cũng không thể "kém miếng".
Chính quyền có nhu cầu cán bộ phải có trình độ từ sau đại học trở lên, tức thì cao học như nấm sau mưa và đào tạo tiến sĩ giấy với hàng loạt chất lượng không đảm bảo cũng vì thế mà lan tràn, biến tướng.
Chính sách "trải thảm đỏ" cho nhân tài ở nhiều địa phương vẫn quen lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn tối thượng ("quy ra thóc" với những hỗ trợ như vài trăm triệu đồng cho giáo sư, tiến sĩ, vài chục triệu cho thạc sĩ, cử nhân...).
"Có được bằng cấp bằng mọi giá" là động cơ xúi giục em sinh viên ở TP.HCM nợ học nhiều môn dám mang axit đến giảng đường tạt vào thầy giáo.
Mọc lên từ cái "gốc" và phục vụ cho mục tiêu bằng cấp đó, thì dẫu những "dây thừng" để siết phần ngọn đào tạo có chặt chẽ đến đâu, vẫn sẽ còn được "lách" để "kinh doanh" bởi bằng tiến sĩ vẫn là "thứ trang sức cao cấp" cho những cái ghế đang tại vị.
Không những vẫn được đặt hàng đầu trong tuyển dụng, sử dụng, tiêu chuẩn về bằng cấp còn là nếp nghĩ khó bỏ của xã hội khi nhìn nhận về giá trị của một con người (trình độ văn hóa trong các sơ yếu lí lịch cá nhân còn được đánh đồng với trình độ học vấn).
Khi cái nhu cầu méo mó kia không điều chỉnh thì nhân danh phong trào "đào tạo theo nhu cầu xã hội", trường ĐH cứ mặc nhiên bành trướng chức năng của "xưởng cấp bằng" và lãng quên dần chức năng của một không gian tự do học thuật, tạo tiếng nói phản biện để thúc đẩy tiến bộ xã hội.
"Tầm nhìn 2020" của kế hoạch cán bộ đã kéo lùi suy nghĩ và tiếp tục tác động tiêu cực tới nền giáo dục.
Trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn - những giải cao nhất trong cuộc thi do triều đình tuyển trạch - đã hoàn thành sứ mệnh "học trò kinh bang tế thế" của nền giáo dục học để làm quan.
Nay, tiến sĩ mới chỉ là danh vị học trò cao nhất trong hệ thống đào tạo và chức năng chính của tiến sĩ là đào tạo ở trường ĐH và làm công tác nghiên cứu khoa học. Lẫn lộn giữa anh học trò hay người nghiên cứu với công tác cán bộ quản lý là một cách đặt "trường ốc" cao hơn trường đời khiến cho ốc đảo giáo dục ngày càng xa đời sống.
Nguyên lý "tạo chỗ trống"
Tuy nhiên, suy nghĩ cá nhân của TS Lê Anh Sắc cũng như kế hoạch thực hiện chiến lược cán bộ Hà Nội đều có hạt nhân hợp lý, bởi trong nhiều trường hợp, "người tài" và "tiến sĩ" cũng là một.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Liệu chính quyền Hà Nội những năm 2020 có chỗ cho những người thực tài đáp ứng đủ tiêu chuẩn về bằng cấp?
Như Đỗ Quốc Anh, Huy chương Vàng Toán học quốc tế khi học phổ thông, học cử nhân tài năng ở ĐH, làm tiến sĩ ở ĐH Harvard và hiện đang công tác ở Singapore? Như Vũ Lan Hương -từng được Hà Nội tôn vinh trong lễ tôn vinh thủ khoa ĐH hàng năm ở Quốc Tử Giám, người trẻ nhất giành học bổng danh giá Fulbright khi mới 25 tuổi, hiện đang theo học cao học ở Mỹ?
Năm 2004, ĐHQG Hà Nội có đề án "đào tạo 700 tài năng trong 6 năm". Đây là một trong ba nhánh của đề án "đào tạo, bồi dưỡng tài năng" trong các lĩnh vực: khoa học, quản lý và kinh doanh. Đến nay, cả 3 nhánh của đề án không rõ trôi về đâu.
Góp ý cho đề án này, ông Trần Đình Hoan, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng, chuyện quan trọng hơn đào tạo, bồi dưỡng là sử dụng. Và để sử dụng được tài năng, phải thực hiện quy tắc "tạo chỗ trống".
Liệu, Hà Nội có dám "tạo chỗ trống" cho những ứng viên thực sự có khả năng đột phá tư duy? Những cán bộ tại vị của Hà Nội có sẵn sàng "đột phá" với chính bản thân mình để tạo chỗ trống cho những người tài đang dần nhiều lên trong xã hội hôm nay?
|
-
Hạ Anh