- "Có nhiều buổi, gần như toàn bộ tổ công tác đều phải đến để thuyết phục các bộ cắt bỏ những giấy phép con bất hợp lý. Ban đầu còn cố gắng thuyết phục nhau nhưng sau đó không khí hết sức căng thẳng...", bà Phạm Chi Lan, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 nhớ lại.
Ra đời chỉ 2 ngày trước khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực (1/1/2000), Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp là nhóm chuyên trách duy nhất theo dõi việc thực thi một bộ luật vào đời sống.
Các thành viên tham gia là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung, bà Phạm Chi Lan...
Ghi nhận lớn nhất từ doanh nghiệp là sự nỗ lực của Tổ công tác trong “cuộc chiến” chống lại nạn giấy phép con. Chính Tổ công tác là nhóm chuyên trách đầu tiên tổ chức những cuộc khảo sát có quy mô, sàng lọc và đề xuất “rút tỉa” những giấy phép gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Sau 6 năm hoạt động, Tổ công tác đã kiến nghị bãi bỏ được 144 giấy phép và chuyển 46 giấy phép sang quản lý theo hình thức khác. Luật Doanh nghiệp đã đem lại sức sống mới cho nền kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.
"Phải dám chiến đấu"
“Trong giai đoạn thống kê và cắt giảm, có rất nhiều ý kiến trái ngược giữa hai luồng tư duy bảo thủ và cải cách, thảo luận thẳng thắn, có khi rất quyết liệt. Để bảo vệ ý kiến của mình, Bộ trưởng Trần Xuân Giá phải đương đầu với các cuộc tranh luận nảy lửa. Cuối cùng các ý kiến đều trình lên Thủ tướng quyết”, bà Phạm Chi Lan cho hay.
Tổ công tác đã thu thập ý kiến từ hàng trăm doanh nghiệp. Ảnh: VNN
Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, và người chỉ đạo là Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ủng hộ mạnh mẽ các đề xuất của Tổ công tác.
Ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên Tổ công tác cho hay, họ đã chọn cách làm là lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp. Qua điều tra, từng doanh nghiệp đã báo với Tổ công tác việc họ đang sở hữu bao nhiêu giấy phép, thuộc các loại giấy phép gì. Sau một thời gian, Tổ công tác đã lên được danh mục 400 giấy phép con đang tồn tại và thẩm định được giấy phép nào vô lý.
"Giấy phép vô lý chủ yếu nằm ở các thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Có bãi bỏ được các loại thủ tục lạc hậu níu kéo thì mục tiêu trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp được đặt ra trong luật mới thực hiện được", bà Lan nhớ lại quá trình cắt bỏ "không hề dễ dàng" này.
Giai đoạn thứ hai - cắt bỏ những giấy phép con bất hợp lý - mới lắm gian nan. Vì hiển nhiên, không bộ nào chịu thừa nhận đã ban hành chúng.
"Phải lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp thì họ mới chịu. Nhưng khi làm việc với từng cơ quan thì họ lại không muốn bỏ, họ vẫn muốn chứng minh là các loại giấy phép đó cần thiết, quan trọng", bà Lan nói.
Bà Lan phân tích, một khi đã đụng chạm đến đặc quyền của các cơ quan quản lý thì dù muốn cải cách cũng không đơn giản. Do đó, ngoài sự quyết tâm và ủng hộ từ cấp cao nhất, bản thân các thành viên trong Tổ công tác cũng phải rất mạnh mẽ, quyết liệt và dám chiến đấu.
"Nếu không dám chiến đấu mà vội đầu hàng ngay từ đầu với các bộ, ngành thì sẽ không thể có được kết quả", bà Lan kết luận.
Ngăn chặn việc phục hồi
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là về sau, việc cắt bỏ dần dần trở nên khó khăn hơn. Chưa kể khi thiết kế luật mới, các cơ quan lại tiếp tục có các hướng dẫn và đưa ra giấy phép con như một công cụ để quản lý. Vậy là tiếp tục sinh ra thêm giấy phép mới. Nhiều cơ quan cũng đã tìm mọi cách phục hồi lại các giấy phép cũ.
"Theo thống kê gần đây, cứ mỗi tuần lại sinh ra một loại giấy phép con mới. Điều tra năm ngoái của VCCI cho thấy đến nay, lại có tới gần 400 giấy phép như trước đây", bà Lan nuối tiếc.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ công tác đã tâm sự với báo giới rằng, tuy dã đạt được những kết quả mà xã hội công nhận song hoạt động của Tổ công tác không được bền vững và liên tục.
“Không ít kiến nghị hợp lý của Tổ công tác đã không được xem xét và chấp nhận. Theo đó, động lực của các thành viên cũng như của Tổ đã bị ảnh hưởng nhiều", ông Cung cho biết.
Như vậy, điều quan trọng không chỉ là việc rà soát và "xén" được bao nhiêu thủ tục. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần cải cách triệt để hệ thống thủ tục hành chính. Đó là giám sát quá trình ban hành thủ tục hành chính, xây dựng một thiết chế để người dân cùng được tham gia và phải có cơ chế để hủy bỏ các thủ tục bất hợp lý.
Bà Lan cho hay, Tổ công tác đã từng đề nghị nên có cơ chế giảm quyền của các bộ và địa phương trong việc ban hành thêm giấy phép con và tất cả thẩm quyền nên thu về một đầu mối cho một cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa được áp dụng.
Từ câu chuyện của Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan hy vọng chiến dịch cải cách thủ tục hành chính (Đề án 30) mà Chính phủ đang triển khai sẽ phát huy được thành tựu của những cuộc cải cách trước đó và quan trọng hơn là kìm hãm sự phục hồi thủ tục hành chính, ngay khi đề án kết thúc.
Theo dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định kiểm soát thủ tục hành chính mà trong đó, việc ban hành thủ tục hành chính mới sẽ phải được đăng ký ở cơ quan chức năng, do cơ quan trung ương kiểm soát.
Bà Lan gợi ý, nên chăng, Tổ công tác Đề án 30 tiếp tục giúp Chính phủ trong việc kiểm tra và sàng lọc những đề xuất mới. Vì đây là một bộ máy giúp việc có chuyên môn sâu và trong quá trình triển khai Đề án 30, đã ít nhiều nắm được hệ thống các thủ tục, đủ để biết cái gì cần và không cần.
"Rà soát và cắt giảm là quan trọng, nhưng khâu sau, quan trọng hơn, đó là phải ngăn chặn việc phục hồi thủ tục", bà Lan khuyến cáo.
-
Lê Nhung