221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1235811
Không nên "cắt đứt" quan hệ pháp lý con nuôi-cha mẹ đẻ
1
Article
null
Không nên 'cắt đứt' quan hệ pháp lý con nuôi-cha mẹ đẻ
,

 - Góp ý dự thảo Luật nuôi con chiều 16/9, UB Pháp luật của Quốc hội không đồng tình với quy định chấm dứt hoàn toàn quan hệ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ.

Mô tả ảnh.
Ảnh:XL
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đại diện cơ quan soạn thảo luật, cho hay dự thảo luật thiết kế có quy định về hình thức nuôi con nuôi. Theo đó, bao gồm "nuôi con nuôi đơn giản" và "nuôi con nuôi trọn vẹn".

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức này là hệ quả pháp lý, theo đó hình thức "nuôi con nuôi trọn vẹn" sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ. Ngược lại, hình thức "nuôi con nuôi đơn giản" không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý này.

Không nên "cắt đứt"

Có hai điểm được Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chỉ ra để cân nhắc lại quy định hình thức nuôi con nuôi nêu trên mà ông cho là "mới", "khác biệt với truyền thống pháp luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước khác".

Nhìn từ "truyền thống hướng về cội nguồn" của người Việt, ông Thuận cho rằng việc nuôi con nuôi xuất phát từ tình yêu thương, lá lành đùm lá rách, mặc dù được nhận làm con nuôi nhưng trẻ em vẫn không bị hạn chế (cả về nhận thức, đạo lý và pháp luật) cơ hội tiếp tục duy trì mối quan hệ với cha mẹ đẻ và gia đình gốc.

Bên cạnh đó, trong các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam đã ký kết cũng không có điều ước nào quy định về hình thức nuôi con nuôi. Ngay cả Công ước La Haye (1993) cũng cho phép sự "chuyển đổi" để không bắt buộc người được cho làm con nuôi phải chấm dứt hoàn toàn quan hệ pháp lý với cha mẹ đẻ.

Ủng bộ việc tổ chức nuôi con nuôi như hiện tại, ông Thuận còn cho rằng "việc không quy định hình thức nuôi con nuôi mới sẽ tránh được sự xáo trộn các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, bảo đảm trẻ em được cho làm con nuôi không bị cắt đứt mối liên hệ với gia đình, quê hương gốc".

Chấm dứt kiểu "3 trong 1"

Với mong muốn "xác lập lại trật tự" trong việc giới thiệu nuôi con nuôi nhằm loại bỏ tiêu cực, Bộ Tư pháp đề xuất chuyển thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi từ các cơ sở nuôi dưỡng về Bộ này.

Lâu nay, các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện công việc "3 trong 1" - vừa là nơi tiếp nhận trẻ em, vừa là nơi nhận viện trợ từ nước ngoài, đồng thời là nơi giới thiệu trẻ, đã dẫn đến việc thiếu vô tư, khách quan trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay có thực trạng các cơ sở nuôi dưỡng, chạy theo lợi ích vật chất kinh tế trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Thậm chí có sự cấu kết giữa cơ sở nuôi dưỡng và những kẻ môi giới bất hợp pháp bên ngoài để đưa trẻ em từ các nơi khác về cơ sở nuôi dưỡng, rồi hợp thức hóa bằng hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để cho làm con nuôi người nước ngoài.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận cho rằng Bộ Tư pháp chỉ nên là "người gác cổng", không nên thực hiện vai trò làm đầu mối mà giao cho các tổ chức xã hội thực hiện việc giới thiệu con nuôi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho hay, Bộ có đơn vị chức năng để gánh việc và không thể giao cho các tổ chức xã hội thực hiện, nhất là khi quy trình xây dựng hồ sơ con nuôi phức tạp, có nhiều công đoạn. 

Ý kiến tại UBTVQH cũng trái chiều xung quanh quy định hết thời hạn 30 ngày thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ, nếu không có người trong nước nhận làm con nuôi thì mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng, ông  Đào Trọng Thi nêu tình huống, nếu có gia đình người nước ngoài có điều kiện tốt hơn một gia đình trong nước để lo cho cùng một đứa trẻ, thì phải quy định trong luật ra sao để đảm bảo vì quyền lợi nhân đạo thực sự tốt nhất cho trẻ?

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,