- "Càng nhiều cơ hội tiếp xúc với dân và doanh nghiệp, cơ hội nhũng nhiễu càng lớn" là tâm tư mà đại diện ngành hải quan bày tỏ với Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính Chính phủ trong buổi làm việc sáng 8/9.
"Không hề đơn giản"
Theo Tổ trưởng Tổ công tác cải cách của Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đây là một phần nguyên nhân gây khó cho công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thật không hề dễ dàng để yêu cầu chính các cán bộ hải quan, thuế tự tay cắt bỏ đi các thủ tục hành chính rườm rà liên quan đến quyền lợi của mình.
Các đại biểu bàn việc loại bớt TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan. Ảnh: LN
Một phần vì nguyên nhân này, nên Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, sau giai đoạn 1, ngành hải quan đã thống kê được 239 thủ tục, nhiều nhất là ở cấp chi cục (197 thủ tục) nhưng việc cắt giảm sẽ rất linh hoạt.
Dự kiến, việc rà soát sẽ được thực hiện từ trên, sau đó mới đưa xuống cơ sở để lấy ý kiến. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng cán bộ hải quan không muốn tự cắt xén các thủ tục liên quan đến quyền lợi của mình, gây cản trở cho tiến độ rà soát.
"Đơn vị nào ở dưới cũng muốn giữ lấy quyền là mình được xác nhận. Vì xác nhận thì DN phải đến, phải chờ đợi", ông Cường nói.
Tuy nhiên, Tổ phó Tổ chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, cần để chính những người trực tiếp làm việc với dân và doanh nghiệp tự rà soát, phát hiện thủ tục bất hợp lý và đề xuất cắt giảm. Vì mục tiêu của Đề án 30 không chỉ là cắt giảm thủ tục mà còn để nâng cao tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cho công chức trong bộ máy.
Ông Phan tán thành đề xuất của đại diện Tổng cục Thuế, đó là để chính cán bộ thuế địa phương tự rà soát, sau đó tham vấn ý kiến phản biện của Hội tư vấn thuế và các chuyên gia. "Để đơn giản hóa thủ tục, không hề đơn giản", đại diện Tổng cục Thuế, bà Lê Thị Duyên Hải thừa nhận.
Một văn bản sửa nhiều văn bản
Vấn đề "lấn cấn" thứ hai là tính khả thi của tỷ lệ cắt giảm 30%.
Bộ Tài chính là cơ quan có số thủ tục "khổng lồ". Chưa kể, Chính phủ còn "đặt hàng" ngành thuế, hải quan phải có tỷ lệ cắt giảm cao hơn mức bình quân chung của ngành. Trước mắt, đến 30/10, Bộ này phải hoàn chỉnh việc rà soát nhanh 86 thủ tục thuế và hải quan để báo cáo sớm lên Thủ tướng.
Theo dự kiến của ông Nguyễn Đức Chi, người đứng đầu từng lĩnh vực sẽ phải chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng rà soát. Bộ Tài chính sẽ kiểm điểm định kỳ tiến độ trong các buổi họp giao ban.
Ông Hoàng Việt Cường cho rằng, trong quá trình rà soát, có thể xem xét tinh giản các bước làm thủ tục. "Chẳng hạn, nên cân nhắc việc trong từng thủ tục có thể xem xét giảm được bao nhiêu giấy tờ, chứng từ để thuận lợi hơn cho DN". Như vậy, về mặt số lượng có vẻ như không bỏ đi thủ tục nhưng đã giảm thiểu được quy trình trong chính thủ tục đó.
Bộ Tài chính dự kiến trong quá trình thống kê, nếu phát hiện các thủ tục bất hợp lý sẽ tiến hành cắt giảm và loại bỏ ngay, sai đâu, sửa đó. Nhưng làm được điều này không dễ vì kéo theo phải sửa các thông tư, nghị định.
Về vấn đề này, ông Ngô Hải Phan khẳng định, sẽ áp dụng quy tắc một văn bản sửa nhiều văn bản. Có thể ban hành một thông tư để điều chỉnh lại các điều khoản trong 100 thông tư.
Những thủ tục bất hợp lý thuộc thẩm quyền bộ thì chỉ cần xin ý kiến bộ trưởng. Các thủ tục liên quan đến các bộ ngành khác sẽ do Chính phủ quyết định. Con số 30% không phải là một tỷ lệ cứng nhắc.
Theo báo cáo của ngành tài chính, sau khi kết thúc giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã thống kê được 840 thủ tục.
Trong buổi làm việc cuối tháng 8 vừa qua với Bộ này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định, việc cải cách hành chính trong 2 lĩnh vực thuế và hải quan vẫn còn nhiều hạn chế.
-
Lê Nhung
Bài tiếp: Làm việc chốn công quyền có 'màu mè' gì không?
Nếu bạn chưa hài lòng về các thủ tục hành chính,
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi!
Email: bandoc@vietnamnet.vn
Đường dây nóng: (092)345-7788 hoặc (04)3772-2729.