- Đã đến thời điểm chính phủ Mỹ và Việt Nam cần có những thỏa thuận chính thức về một chương trình dài hạn, hiệu quả cho vấn đề da cam/dioxin - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn Việt - Mỹ về vấn đề da cam/dioxin lần 4 hôm nay (8/9) tại Hà Nội.
Hai ưu tiên
Ảnh: XL |
Quan chức Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu chăm sóc các nạn nhân do đây là "một việc nặng nề, lâu dài, không chỉ riêng vấn đề y tế mà cả chính sách xã hội".
"Chúng tôi nhất trí sự lựa chọn hoạt động khởi đầu cho vấn đề này là chăm sóc sức khỏe người khuyết tật và hạn chế tỷ lệ trẻ sinh bị khuyết tật. Trong số trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh có một số không nhỏ là do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin mà ông bà, bố mẹ chúng là người bị phơi nhiễm", ông Cường cho hay.
Ưu tiên khởi đầu nội dung này, theo ông Cường, bởi thực tiễn những trẻ em khuyết tật liên quan với chất độc da cam/dioxin thường không tự chăm sóc được bản thân và không có khả năng lao động do bị đa dị tật và thiểu năng trí tuệ.
Đại sứ Mỹ Michael Michalak cho rằng "chất da cam là một vấn đề nhạy cảm đối với nhiều nhóm người ở Hoa Kỳ và Việt Nam". Ông nói tình hình tiến triển phức tạp vì sự hiểu lầm và thông tin sai lệch. Để khắc phục, Đại sứ Mỹ cho rằng có thể giải quyết thông qua "đối thoại cởi mở, thẳng thắn".
"Chúng ta không chỉ nói - mà chúng ta đang làm việc cùng nhau trong những dự án cụ thể", Đại sứ phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự phối hợp giữa chính phủ hai nước để khắc phục hậu quả da cam dioxin có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua nhưng những kết quả cụ thể đóng góp vào việc khắc phục hậu quả môi trường, sức khỏe của người bị phơi nhiễm còn rất hạn chế. Ông cho rằng đã đến thời điểm chính phủ Mỹ và Việt Nam cần có những thỏa thuận chính thức về một chương trình dài hạn, hiệu quả cho vấn đề da cam/dioxin.
Đẩy nhanh tẩy độc sân bay
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay sau cuộc họp tháng 3/2008, nhóm công tác môi trường Việt - Mỹ đã được thành lập và đưa ra lộ trình giải pháp kỹ thuật để xử lý các điểm ô nhiễm nặng tại phía Bắc sân bay Đà Nẵng.
Đại sứ Michalak cho hay phía Mỹ đã nhận được hồ sơ thầu và sẽ sớm công bố hợp đồng cho công tác đánh giá môi trường và chuẩn bị khắc phục tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng.
Ông cũng cho hay, hồi tháng 6, Học viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã khởi xướng việc thực hiện thí điểm công nghệ khắc phục sinh học ở sân bay Đà Nẵng.
Đại sứ Mỹ kỳ vọng, nếu thành công, khắc phục sinh học sẽ mang lại giải pháp khắc phục sáng tạo và tiết kiệm chi phí đồng thời hứa hẹn có thể giúp Việt Nam ứng phó với tác động của nhiều loại chất gây ô nhiễm công nghiệp không liên quan khác.
Liên quan đến dự án tại sân bay Đà Nẵng, năm ngoái, các chuyên gia của hai nước đã làm việc để cùng nhau thiết kế từng dự án y tế và môi trường. Văn phòng 33 đã tham gia quá trình chọn lọc dự án dành cho người khuyết tật và khắc phục môi trường. Về khắc phục sinh học, các chuyên gia của hai nước cũng đã lập kế hoạch dự án, thăm Đà Nẵng để trực tiếp làm thí điểm và hiện đang phân tích các kết quả.
Hiện có 3 điểm nóng về dioxin được tập trung ưu tiên giải quyết tẩy độc trước, đó là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Ngoài dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng do Việt Nam và Mỹ phối hợp thực hiện, dự án tẩy độc sân bay Phù Cát do Việt Nam phối hợp với Cục phát triển Cộng hòa Séc thực hiện bằng nguồn vốn ODA trị giá khoảng 1,5 triệu USD do Séc viện trợ. Dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa ước tính kinh phí khoảng 5 triệu USD, do Bộ Quốc phòng chủ trì, đã bắt đầu thực hiện từ 2007.
Việt Nam đã thiết lập Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục cơ bản hậu quả chất da cam/dioxin. Một trong những mục tiêu là đến năm 2015 sẽ định lượng thiệt hại về kinh tế - xã hội đến tài nguyên - môi trường. Riêng từ năm 2011 đến 2012, sẽ hoàn thành tổng điều tra về nạn nhân da cam/dioxin. |
-
Xuân Linh