- Bên lề Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên ngày 5/9, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi.
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết:
"Bô-xít ở Tây Nguyên có trữ lượng thuộc hàng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, những nơi có bô-xít thì không thể trồng được loại cây gì và đất bị bỏ hoang rất lớn. Vì thế, tại sao chúng ta không khai thác để làm giàu cho dân, sau đó lấp đất lại để sản xuất nông lâm nghiệp, tiếp tục làm giàu cho Tây Nguyên?
Cho đến lúc này, dư luận trong nước cũng như trên thế giới, kể cả những người khó tính, còn ai nói đến vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên nữa. Điều đó cho thấy, khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi.
Tuy nhiên, chúng ta cố gắng xử lý môi trường cho tốt, xây dựng đuờng xá thật nhanh để thuận tiện cho việc vận chuyển. Giá cả thì có lúc lên, lúc xuống, không thể nói thời điểm nào đó giá thấp mà ta không khai thác. Theo dự báo, giá bô-xít thế giới hai năm nữa mới lên, tuy nhiên hiện nay giá đã tăng rồi và khả năng còn tăng nữa.
Khi chúng ta xây dựng nhà máy đạm ở Cà Mau, có rất nhiều người cản, tuy nhiên nhà máy vẫn được hình thành. Và thực tế, cho đến thời điểm này chúng ta đã chủ động được sản phẩm này ở thị trường trong nước".
Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây nguyên. Ảnh: Ca Hảo |
- Thưa Phó Thủ tướng, khi đầu tư vào Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp cho rằng nguồn nhân lực còn rất yếu và thiếu. Vậy Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ cho khu vực này?
- Vấn đề lớn nhất của Tây Nguyên hiện nay là nguồn nhân lực. Hiện các tỉnh đã gửi cán bộ đi đào tạo ở nhiều nơi, với nhiều nguồn khác nhau. Do đó, trong ít năm nữa, Tây Nguyên sẽ có nguồn nhân lực chất lượng hơn và tương đối dồi dào.
Ví dụ như cán bộ đi học bác sỹ mà thiếu bằng tiếng Anh thì cứ mạnh dạn cho họ đi học. Sau khi trở thành bác sỹ rồi thì về học bổ túc thêm tiếng Anh để hoàn thiện hơn, và các ngành khác cũng nên thế. Ngoài ra còn cử tuyển, đầu tư thêm trường dạy nghề, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tiếp xúc với khoa học công nghệ.
- Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu vốn của Tây Nguyên khoảng bao nhiêu?
- Tây Nguyên cần rất nhiều vốn và các doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào khu vực này. Tuy cần nhiều, song phải có sự chọn lọc dự án. Không thể làm ẩu, không có hiệu quả sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
- Như vậy thì Tây Nguyên cần có biện pháp cụ thể nào để thu hút đầu tư?
- Muốn thu hút nhà đầu tư, thứ nhất phải làm đường giao thông cho tốt, thứ hai là thủ tục hành chính thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Làm sao để khi đến Tây Nguyên, nhà đầu tư sẽ vui, về sẽ nhớ và rủ những nhà đầu tư khác lên kinh doanh. Tôi tin là sắp tới Tây Nguyên sẽ đón những làn sóng đầu tư ồ ạt, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng và chế biến nông sản.
Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây nguyên rất ưu ái, tuy nhiên việc “tiêu thụ” những chủ trương ấy còn hơi ì ạch. Do đó, mặc dù Tây Nguyên là đất của cà phê, cao su và sở hữu cả một khối khoáng sản không lồ, song dân vẫn còn nghèo. Nguyên nhân là do yếu tố chủ quan.
Qua diễn đàn này, Ban chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tổng hợp tất cả ý kiến của nhà đầu tư theo từng ngành để báo cáo Thường trực Chính phủ. Khâu nào có thể giải quyết ngay tôi sẽ làm để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Tây Nguyên.
-
Ca Hảo