- Con tim của triệu triệu người Việt Nam, từ khi Người còn sống cho đến nay - sau 40 năm Người không còn nữa - vẫn dành trọn vẹn cho Người tình yêu thương, lòng kính trọng và ngưỡng mộ sâu sắc nhất.
Với dân tộc Việt Nam, một trăm năm trở lại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm của lịch sử, là ngọn cờ sáng chói nhất trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Điều này hầu như không có gì phải bàn cãi, sử sách Việt Nam, nhân dân và chính giới các nước trên thế giới đều ghi nhận điều đó.
Ảnh tư liệu |
Niềm kính yêu đó đã vượt qua không gian và thời gian. Những giọt nước mắt của hàng triệu đồng bào cả nước tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng 40 năm trước cũng là những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nghe lại lời ca tiếng hát cất lên từ Quảng trường Ba Đình, nơi Người yên nghỉ trong đêm “Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước, vì dân” mới đây.
Đó là điều đặc biệt về một nhân vật lịch sử đặc biệt. Trong suốt 30 năm trời ấy (1911-1941), từ buổi xuống tàu trên bến Nhà Rồng đến ngày trở về Pác Bó, trên hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước, khắp bốn biển năm châu, Hồ Chủ Tịch một mình bôn ba, khi ẩn khi hiện. tìm ánh sáng đưa dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ.
Cũng thật đặc biệt khi Người không có một cuộc sống gia đình như mọi người bình thường khác, không có nhà cửa, tài sản cá nhân, chỉ biết hy sinh và cống hiến, lấy sự nghiệp của dân tộc làm hạnh phúc của đời mình.
Nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và nghiệp dư chuyên viết về nhân vật lịch sử thậm chí còn xem cuộc đời Người là một bí ẩn, bí ẩn của một huyền thoại lịch sử. Và họ muốn giải mã sự bí ẩn đó.
Trên con đường khám phá, có người phát hiện được những tình tiết bất ngờ và thú vị về một con người thật, thật như bao con người bình thường khác trên trái đất này. Nhưng cũng có người tìm tòi đâu đó những mẩu chuyện rời rạc, đôi khi mâu thuẫn nhau rồi chắp nối lại, bằng sự phong phú của tưởng tượng xây dựng nên nhân vật “tiểu thuyết” khác xa với nhân vật “nguyên mẫu”.
Những năm gần đây, người ta có thể tìm thấy trong một số cuốn sách ở hải ngoại, trên một số website những trang viết như thế. Nhưng lịch sử vốn công bằng, cuộc đời cũng công bằng, chỉ sớm hay muộn, mọi sự uẩn khúc đều đến lúc sáng tỏ.
Ảnh tư liệu |
Mặt khác, chân lý dù là tương đối, chuẩn mực về con người có thể thay đổi theo thời đại, nhưng không có nghĩa là có thể đổi trắng thành đen.
Và người thẩm định sáng suốt nhất, công bằng nhất, không phải ai khác, chính là triệu triệu người dân Việt Nam, họ thẩm định bằng chính cả cuộc đời họ gắn liền với sự đổi thay cùng vận nước.
Khoảng thời gian ngót một trăm năm qua cũng khá đủ để có sự thẩm định về một nhân vật lịch sử.
Trong tâm thức người Việt Nam, qua bao thế hệ, đã đọng lại, đã khắc sâu hình ảnh chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, xuất hiện ở Hội nghị Hòa bình Versailles với bản Yêu sách của nhân dân “An Nam” đòi giải phóng đất nước khỏi ách thực dân.
Một ông Lin giữa những ngày đông băng giá Moscow đi tìm kiếm con đường đi tới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình. Một Lý Thụy, một Tống Văn Sơ… trên đất nước Trung Hoa láng giềng, lúc ở Quảng Châu, khi ở Hương Cảng… mượn đất khách hội tụ những thanh niên Việt Nam ưu tú cùng chí hướng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giành lại độc lập cho đất nước sau 80 năm dưới ách thực dân.
Ảnh tư liệu |
Thời khắc lịch sử, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đưa Người vào lịch sử như một vị anh hùng dân tộc.
Trải qua sự thẩm định công minh của lịch sử, “vô vàn tình yêu thương” đồng bào giành cho Người vẫn không đổi thay qua bao thử thách của năm tháng. Không những thế, càng biết sâu hơn, nhiều hơn về cuộc đời riêng của Người, tình thương yêu quý trọng ấy chỉ càng tăng thêm.
Ngày Độc lập 2 tháng 9 năm 2009 hôm nay vừa tròn 40 năm Người để lại bản Di chúc lịch sử. Ai cũng biết rằng Hồ Chủ tịch là người sáng lập Đảng CSVN. Sự nghiệp của Đảng và sự nghiệp của Bác là một. Người dù đi xa, nhưng Đảng và nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục sự nghiệp của Người. Những điều Người ước mong và dặn dò, toàn Đảng có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện. Một trong những điều ấy là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch và vững mạnh.
Trong Di chúc, Người đã viết: “Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng…”.
Dân chủ trong Đảng được Người hết sức coi trọng. Vì chỉ có dân chủ mới có đoàn kết, có dân chủ mới phát huy hết sức mạnh trí tuệ của hàng chục triệu người con ưu tú trong Đảng để xây dựng các cấp lãnh đạo Đảng đủ tầm vóc đưa sự nghiệp lớn của toàn dân tộc, đưa đất nước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển, công nghiệp hoá và hiện đại hoá, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Kỷ niệm 40 năm Người viết bản Di chúc, tự hào và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bao nhiêu, càng phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc bấy nhiêu lời căn dặn sâu sắc và quý giá đó của Người.
-
Trần Minh