221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1231324
Cho trẻ làm con nuôi nước ngoài là giải pháp cuối cùng
1
Article
null
Cho trẻ làm con nuôi nước ngoài là giải pháp cuối cùng
,

 - Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh khẳng định: Các quy định pháp luật ban hành sắp tới đảm bảo việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng.

Sáng nay (21/8), Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nuôi con nuôi trước khi chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay. 

Theo ông Nguyễn Công Khanh, quan điểm xuyên suốt của dự thảo là các quy định đảm bảo "tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em, ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng".

Phó Cục trưởng Cục con nuôi nói, việc tăng cường nuôi con nuôi trong nước là biện pháp nhằm bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... có cơ hội được người trong nước nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng và lớn lên ngay trong đất nước mình. Từ đó, bảo đảm trẻ em có điều kiện hòa nhập vào đời sống cộng đồng dân tộc của Việt Nam và trở thành công dân tốt cho xã hội.

Nhằm tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước, dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định biện pháp tìm gia đình thay thế như một biện pháp bắt buộc đối với trẻ em trước khi giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài. Việc tìm gia đình thay thế được thực hiện liên thông ở 3 cấp (xã, tỉnh, trung ương) với tổng thời gian là 90 ngày, so với trước đây là 30 ngày.

Mô tả ảnh.
Con nuôi người Việt.  Ảnh: XL

Tại hội thảo, ông Cao Thành, Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Cạn băn khoăn vấn đề nuôi con nuôi khu vực biên giới. Điều 48, dự thảo Luật quy định Chính phủ hướng dẫn việc giải quyết vấn đề nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng cùng thường trú ở khu vực biên giới. Theo ông Thành, đây đang là vấn đề bức xúc nhưng dự thảo luật mới chỉ quy định một điều.

"Tôi cho rằng cần quy định cụ thể ngay trong luật về vấn đề này", ông Thành cho hay.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao nêu vấn đề về trường hợp nuôi con nuôi thực tế, tức quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi đã được thừa nhận trong cộng đồng dân cư nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo Luật quy định trường hợp trên được "khuyến khích" đăng ký trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực. Bà Thủy đặt câu hỏi nếu không đăng ký thì hậu quả pháp lý thế nào? Điều này vẫn chưa được quy định rõ trong luật.

Cơ sở nuôi dưỡng không được giới thiệu trẻ

Liên quan đến việc giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngoài, các tiêu cực nảy sinh thời gian qua ở một số địa phương cho thấy xuất phát từ việc các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được quyền giới thiệu trực tiếp cho trẻ làm con nuôi.

Ông Khanh cho hay, báo cáo của các địa phương, đặc biệt phản ánh của nhiều nước cho thấy, nếu tiếp tục để cơ sở nuôi dưỡng vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay, thì "dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trái với pháp luật và thông lệ quốc tế".

Do đó, để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp. Theo ông Khanh, việc này vừa bảo đảm sự tách bạch giữa việc tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ngay cả việc nuôi con nuôi trong nước, Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp cũng sẽ là nơi tổng hợp danh sách trẻ em có đủ điều kiện do cơ sở nuôi dưỡng trẻ em gửi đến và là nơi giới thiệu trẻ em để cho làm con nuôi trong nước.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,